Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác, không để dịch Covid-19 bùng phát

09:12, 06/12/2020

Sau hơn 80 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, đến ngày 30-11, tại TP.HCM đã xuất hiện ca dương tính với Covid-19 lây từ ca bệnh 1342 là nam tiếp viên hàng không...

Sau hơn 80 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, đến ngày 30-11, tại TP.HCM đã xuất hiện ca dương tính với Covid-19 lây từ ca bệnh 1342 là nam tiếp viên hàng không trong quá trình tự cách ly tại nhà nhưng không tuân thủ đúng quy định. Hiện ngành y tế đang khẩn cấp tiếp tục truy dấu hành trình tiếp xúc của bệnh nhân trên, nhằm khoanh vùng và kiểm soát lây nhiễm với trường hợp này.

Nhiều người vẫn không đeo khẩu trang khi đi chợ. Ảnh chụp tại chợ cổng 2, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu
Nhiều người vẫn không đeo khẩu trang khi đi chợ. Ảnh chụp tại chợ cổng 2, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu

* Người dân còn chủ quan với dịch bệnh

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hành trình tiếp xúc phức tạp của những bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới nói trên dự báo về khả năng rất có thể xảy ra một đợt bùng phát dịch Covid-19 nếu không có các biện pháp khẩn cấp. Bởi hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị và người dân còn chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch. 

LS Ngô Văn Định (Hội Luật gia tỉnh): Xử lý hình sự hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Trưa 3-12, Công an TP.HCM đã công bố khởi tố vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự. Hy vọng, vụ việc này đủ sức răn đe những người xem nhẹ tính mạng mình và người khác. Theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm  nếu mang mầm bệnh  nguy hiểm hoặc hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác; bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 5-12 năm nếu mang mầm bệnh hoặc làm lây lan dịch bệnh  dẫn đến phải công bố dịch hoặc làm chết từ 2 người trở lên.

Riêng tại Đồng Nai, ngày 30-11 ghi nhận có 3  trường hợp dương tính với Covid-19 là những công dân đi từ Pháp về. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính, những người này đã được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Ngoài ra, 41 trường hợp F1 (tiếp xúc gần với các ca dương tính do đi cùng chuyến bay từ Pháp về) cũng được đưa vào Bệnh viện Phổi Đồng Nai cách ly ở khu riêng và được theo dõi sát sao.

Rút kinh nghiệm từ việc thiếu quản lý chặt chẽ, thiếu tính tự giác thực hiện cách ly theo đúng quy định của một số đối tượng, cũng như sự lơ là của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh, ngành y tế thường xuyên khuyến cáo người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng tránh bệnh Covid-19 cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên, những ngày qua, ở nơi công cộng, có đông người tại TP.Biên Hòa như: chợ, siêu thị, bến xe, công viên..., nhiều người vẫn không chấp hành quy định đeo khẩu trang. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số chợ truyền thống như: Biên Hòa, Tân Mai, Tân Phong..., nhiều người đi chợ không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang nhưng lại để khẩu trang dưới cằm. Tại nhiều quán ăn, tiệm trà sữa, nhiều người vẫn tập trung ăn uống, vui chơi nhưng không chấp hành các quy định phòng dịch như không đeo khẩu trang... Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai vào sáng thứ sáu 4-12, tại một số ngân hàng thương mại và một số cơ quan nhà nước của TP.Biên Hòa - nơi có lượng người lui tới thường xuyên, nhân viên không còn nhắc nhở khách đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, mà chỉ để chai khử khuẩn ở cửa, ai thích thì dùng...

* Sức khỏe người dân là quan trọng nhất

Thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh Covid-19, nhiều ngày đã không xuất hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia đang bùng phát dữ dội thì nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra nếu mỗi người lơ là các biện pháp phòng, chống.

Sử dụng máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Ảnh: T.L
Sử dụng máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Ảnh: T.L

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn chỉ đạo các địa phương cần có các biện pháp mạnh nhằm tăng cường phòng, chống Covid-19, đặc biệt đối với công tác quản lý người nhập cảnh, nhập cảnh trái phép, quản lý khu cách ly… Tinh thần chống dịch hiện nay là không gây hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là, trong đó bảo vệ sức khỏe cho người dân là quan trọng nhất. Với những địa phương xuất hiện ca lây nhiễm mới, việc giãn cách khu vực nguy cơ cao cần xem xét triệt để nhằm hạn chế dịch bệnh lây ra cộng đồng; khẩn trương thần tốc, điều tra truy vết tất cả đối tượng F1 và F2, không để bùng phát chu kỳ lây nhiễm lần 3. Thủ tướng cho biết, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức nào làm lây lan Covid-19 ra cộng đồng.

Để phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người khi không cần thiết. Trong trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, sát khuẩn… theo đúng quy định. Ngoài ra, tại một số khu vực như khu cách ly, khu dân cư tập trung, chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, ga tàu, bắt buộc phải đeo khẩu trang và khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, tránh tụ tập đông người khi không cần thiết và khai báo y tế đầy đủ theo quy định.

Phương Liễu


Ông Đặng Đức Hòa, (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa): Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang, khạc nhổ bừa bãi

Trong thời gian dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được loại trừ, mỗi người dân nên tự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho mình và cộng đồng. Tôi được biết, Chính phủ đã quy định hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng. Thế nhưng nhiều người vẫn không chấp hành, ra đường không đeo khẩu trang, khạc nhổ bừa bãi... Đề nghị chính quyền địa phương nên thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp đã nhắc nhở nhiều lần nhưng cố ý không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

 

Ông Nguyễn Văn Nghi (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa): Chủ quan là “lỗ hổng” khiến dịch có thể bùng phát trở lại

Qua theo dõi sau đợt dịch đầu tiên,  có đến gần 120 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, người dân chủ quan, thiếu cảnh giác đã dẫn đến đợt bùng phát dịch lần 2 bắt đầu từ Đà Nẵng, khiến hàng trăm ca mắc mới và 35 người trong số này tử vong. Lần này cũng đã hơn 80 ngày không có ca nhiễm mới và bất ngờ “lọt” mấy trường hợp dương tính ra cộng đồng là do người dân còn chủ quan? Tôi cho rằng, việc xử phạt thật nghiêm, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng không tuân thủ việc cách ly, dẫn đến nguy cơ đe dọa cộng đồng như những ca bệnh ở TP.HCM mới đủ sức răn đe.

Trung tá Đặng Thị Mỹ Tú (Tiểu đoàn Kỹ thuật hậu cần, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370): Cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch

Mặc dù đã được khống chế nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn có thể bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp. Vì thế, bản thân tôi và gia đình luôn chấp hành các quy định về phòng dịch như: đeo khẩu trang khi ra đường, sát khuẩn và tránh tập trung đông người. Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng thì không chỉ một người, một gia đình thực hiện là được mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Tôi được biết, mỗi thời điểm khác nhau, Chính phủ cũng như cơ quan chuyên môn đều có những chỉ đạo, yêu cầu phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, người dân cần nỗ lực thực hiện theo để có thể khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều