Báo Đồng Nai điện tử
En

Vĩnh biệt nhà báo Đỗ Đình Dũng

10:11, 27/11/2020

Nhà báo Đỗ Đình Dũng, nguyên phụ trách Ban Bạn đọc Báo Đồng Nai ra đi vào một ngày cuối tháng 11-2020 khi tròn 61 tuổi.

Nhà báo Đỗ Đình Dũng, nguyên phụ trách Ban Bạn đọc Báo Đồng Nai ra đi vào một ngày cuối tháng 11-2020 khi tròn 61 tuổi. Dù những ngày cuối đời phải đối diện với đau đớn của bệnh tật, với nhiều trăn trở, tiếc nuối… nhưng với bản lĩnh của một nhà báo từng trải, anh vẫn kiên cường chiến đấu khi căn bệnh ung thư đã bước sang giai đoạn cuối.

Nhà báo Đình Dũng trong một lần đi tác nghiệp
Nhà báo Đình Dũng trong một lần đi tác nghiệp

Nhà báo Đình Dũng và tôi vào công tác tại Báo Đồng Nai cùng tháng, vào những năm đầu 1990. Suốt gần 30 năm công tác cùng nhau, đặc biệt trong 6 năm gần nhất trước khi nghỉ bệnh, anh là “sếp” quản lý trực tiếp của tôi ở Ban Công tác bạn đọc nên tôi có thời gian gắn bó nhiều hơn và cũng hiểu hơn về anh.

* Không chuyên, nhưng có duyên với nghề

Trước khi làm báo, nhà báo Đỗ Đình Dũng làm nghề nhiếp ảnh. Tài năng viết báo của anh được bộc lộ qua một số bài cộng tác của anh với Báo Đồng Nai. Nhà báo Đỗ Trung Tiến, Phó chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, nguyên Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai là người phát hiện ra năng khiếu này và đưa nhà báo Đình Dũng về làm việc tại Báo Đồng Nai. Ngay khi trở thành phóng viên, bằng sự nỗ lực học hỏi, nhà báo Đình Dũng đã dần trở thành cây viết chắc tay của Báo Đồng Nai.

Dù không được đào tạo báo chí chính quy, nhưng nhắc đến nhà báo Đình Dũng, nhiều đồng nghiệp và bạn đọc rất nể phục, bởi anh là một cây bút khá sắc sảo với những phóng sự điều tra nổi tiếng một thời ở Đồng Nai, đặc biệt là những phóng sự điều tra chống tiêu cực trên địa bàn. Vừa cầm máy ảnh, vừa cầm bút, hàng loạt bài viết sống động đã ra đời với bút danh Tạ Nguyên, Đỗ Duy. Anh cũng công nhận, đúng là cái “duyên” đưa anh đến với nghề báo.

Những ngày đầu làm báo, khi đi tác nghiệp rất khó khăn từ việc đi lại, đến thông tin liên lạc, nhưng  nhà báo Đình Dũng nói đấy là một sự rèn giũa rất hiệu quả cho nhà báo và nghề báo. Anh bảo, nghề báo là một nghề đặc biệt, đòi hỏi nhà báo phải luôn suy nghĩ, trăn trở và thấy mình như “nợ” người, “nợ” đời. Nghiệp báo như vận vào thân, nên những bài anh viết luôn mang hơi thở cuộc sống. Có khi hừng hực tinh thần đấu tranh quyết liệt với cái xấu, có lúc lại thâm trầm, nghiền ngẫm, đa đoan với những số phận kém may mắn trong cuộc đời…

Để có những bài viết hay mang hơi thở cuộc sống, nhà báo Đình Dũng rất chịu khó đi thực tế. Và điều làm anh trăn trở chính là những cảnh đời gian truân, những nỗi niềm oan khuất… nên anh hay nhận về mình những đề tài được xem là gai góc, khó nuốt. Chính vì vậy, nhiều bài báo của anh đã tạo ra được hiệu ứng tích cực.

Trong 26 năm làm báo, nhà báo Đỗ Đình Dũng đã có cả ngàn tác phẩm báo chí, trong đó có nhiều loạt bài tạo nên tên tuổi của anh, đặc biệt là những loạt bài viết đấu tranh chống tiêu cực trên một số lĩnh vực… Nhà báo Đình Dũng cũng được trao hơn 20 giải thưởng báo chí của Trung ương và địa phương.

Nhà báo Đình Dũng từng kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời làm báo mà anh không thể quên được, đó là cuộc đấu tranh đòi công bằng cho một nạn nhân bị đánh chết vì bị nghi là  ăn trộm qua loạt bài Vụ đánh người một cách dã man ở Xuân Định (H.Xuân Lộc). Trong bài, anh đã mạnh dạn phản bác kết luận của cơ quan điều tra bằng những lời lẽ và bằng chứng sắc bén, đến nỗi Ban Nội chính Tỉnh ủy khi ấy phải tổ chức cuộc họp nghe công an và Báo Đồng Nai đưa ra chứng cứ để các ban, ngành cùng xem xét. Cuối cùng, lẽ phải đã thắng. Những bài viết của anh đã  giành lại sự công bằng cho nạn nhân và gia đình khỏi điều oan khuất.

Gần 30 năm dày dạn trong nghề, đầy ắp những trải nghiệm cuộc sống, nhà báo Đình Dũng rất tâm huyết với việc “chia lửa” cho nhiều thế hệ nhà báo trẻ khi tận tình chỉ bảo, hướng dẫn kinh nghiệm thu thập thông tin, cách tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm, cách tiếp nhận nguồn tin thế nào để khai thác được nhiều thông tin nhất, thông tin chuẩn xác nhất… Sau này, khi được giao phụ trách Ban Công tác bạn đọc, anh luôn nói với chúng tôi rằng, khi bạn đọc đến “gõ cửa” Báo Đồng Nai là không còn nơi nào để đến, đừng làm họ thất vọng. Phóng viên khi xác minh đơn thư phải công tâm, khách quan, đặc biệt là phải đặt mình vào vị trí người trong cuộc để hiểu đúng và viết đúng.

Khoảng 10 năm sau này làm công tác quản lý, nhà báo Đỗ Đình Dũng không đi viết nữa, nhưng anh vẫn tiếp tục “truyền lửa”, chỉ dẫn nghiệp vụ cho các phóng viên với tất cả sự nhiệt tâm, thẳng thắn và chân tình.

* Ra đi, để lại nhiều trăn trở …

Nhiệt huyết với nghề, gia đình sung túc, vợ đẹp con khôn…, những tưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ hưu, nhà báo Đỗ Đình Dũng sẽ có những năm tháng thảnh thơi, an yên bên gia đình nhỏ. Thế nhưng, khi nhà báo Đình Dũng chuẩn bị nghỉ hưu thì cơn bạo bệnh ập đến bất ngờ. Mặc dù căn bệnh đã lấy đi của anh phần lớn sức lực và làm anh suy sụp tinh thần một thời gian nhưng anh vẫn cố gắng vừa chữa bệnh, vừa đi làm. Anh nói: “Mình phải đi làm để lấy động lực mà “chiến đấu” với bệnh tật”. Song, anh không gắng mãi được, những cơn đau xuất hiện ngày càng liên tục  buộc anh phải ở nhà dưỡng bệnh.

Nhà báo Đỗ Đình Dũng (bìa trái) nhận giải thưởng báo chí Dương Tử Giang lần thứ IV-2014. Ảnh: Ngọc Thư
Nhà báo Đỗ Đình Dũng (bìa trái) nhận giải thưởng báo chí Dương Tử Giang lần thứ IV-2014. Ảnh: Ngọc Thư

Dù nỗ lực chạy chữa, nhưng căn bệnh mỗi ngày một nặng, biết mình không còn nhiều thời gian và như thể chạy đua với số phận, anh đã “lao” vào vẽ tranh để tìm sự khuây khỏa. Nhà báo Đình Dũng có biệt tài vẽ tranh sơn dầu rất đẹp. Nhìn những bức tranh anh vẽ, khó có ai nghĩ đây là tác phẩm của một người nghiệp dư. Những tháng cuối đời, anh nói anh cố vẽ tranh để bán lấy tiền mua thuốc, vì bệnh của anh phải chữa lâu dài và tốn kém. Nhưng rồi những bức tranh cũng vẫn còn dang dở…

Rời cọ, anh lại làm thơ với khao khát “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Tôi đã đọc được một số bài thơ của anh, phần lớn mang tâm trạng rất buồn: “Mưa lạnh lùng thấm qua tôi phủ vào mục nát/ Khẽ giật mình bởi tiếng gọi hư vô…”. Ngoài tâm trạng thảng thốt, xót xa, trong thơ anh vẫn mang nặng những trăn trở về gia đình, đặc biệt là hai người con mà anh hết mực yêu thương vẫn đang tuổi ăn, tuổi học…

Cuối tháng 9-2020, tôi ghé thăm anh, thấy chiếc laptop trên giường, anh khoe với tôi đang bắt đầu viết hồi ký. Anh đưa cho tôi góp ý đề cương khi anh muốn viết cuốn hồi ký khoảng 350 trang với 3 phần: phần 1: Những tháng ngày thơ ấu; phần 2: Bước chân vào nghề báo và phần 3: Quãng nghỉ và chiêm nghiệm… Anh băn khoăn liệu không biết anh có hoàn thành cuốn hồi ký này không. Tôi động viên: “Đề cương thế là ổn rồi, anh cứ viết đi. Mỗi ngày viết một ít, lúc nào khỏe thì viết, khỏe nhiều viết nhiều, khỏe ít viết ít… Nhưng nhất định, anh phải hoàn thành cuốn hồi ký này rồi mới đi đâu thì đi!”. Anh nở nụ cười mệt nhọc, nhất định anh sẽ hoàn thành. Nhưng giờ, anh cũng đã bỏ tất cả lại phía sau…

Hôm nay, ngày mai và những ngày tiếp theo, bầu trời vẫn xanh, cuộc đời vẫn tất bật, con người hối hả… nhưng nhà báo Đình Dũng đã ở một nơi không còn trăn trở, không còn đớn đau hay dằn vặt lo toan nữa. Hãy yên lòng và thanh thản ra đi. Vĩnh biệt anh. Những người ở lại sẽ mãi mãi nhớ anh - nhà báo Đình Dũng.

Phương Liễu

Tin xem nhiều