Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ cháy xe ô tô tại nhiều địa bàn trên cả nước. Thậm chí có trường hợp phương tiện bỗng dưng bốc cháy khi đang lưu thông khiến không ít người lo lắng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ cháy xe ô tô tại nhiều địa bàn trên cả nước. Thậm chí có trường hợp phương tiện bỗng dưng bốc cháy khi đang lưu thông khiến không ít người lo lắng.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, Công an H.Định Quán tham gia dập tắt vụ cháy xe 16 chỗ ngày 24-5-2019 trên quốc lộ 20 đoạn qua xã Phú Lợi (H.Định Quán). Ảnh: C.T.V |
* Nhiều vụ cháy xe
Ngay trong ngày 20-6, trên cả nước đã xảy ra 2 vụ cháy xe khách giường nằm loại 45 chỗ khi đang lưu thông trên cầu Nguyệt Viên (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và đường Vành đai 3 (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội). Trước đó, ngày 31-5, một xe ô tô 7 chỗ lưu thông trên đường đê (H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) thì bốc cháy, những người trên xe kịp thời thoát thân. Tại Đồng Nai, năm 2019 cũng đã xảy ra 7 vụ cháy xe ô tô, trong đó vụ cháy xe 16 chỗ ngày 24-5-2019 tại quốc lộ 20 đoạn qua xã Phú Lợi (H.Định Quán) làm 1 người chết và 2 người bị thương.
Tình trạng trên đã khiến một số nhà xe khách trong tỉnh, các tài xế chạy dịch vụ lo lắng, vì xe ô tô hiện là tài sản có giá trị lớn và là phương tiện làm việc của nhiều người. Ông H.N. (chủ một doanh nghiệp xe khách tại H.Cẩm Mỹ) bày tỏ: “Mỗi ngày các xe dịch vụ của tôi đều hoạt động hết công suất nên rất lo việc xảy ra cháy. Tôi mong cơ quan chức năng sớm làm rõ và cảnh báo các nguyên nhân xe ô tô tự cháy để chúng tôi phòng ngừa”.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo, với xe ô tô bị cháy khi đang dừng, đậu trong các bãi giữ xe, ga ra, cần liên hệ đơn vị PCCC và khởi động hệ thống báo cháy (nếu có) của khu vực đó. Tiếp đến, hãy di dời các phương tiện gần với xe đang cháy và tiến hành chữa cháy ban đầu. |
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy xe ô tô xảy ra tại Đồng Nai năm 2019 là do sự cố điện và sự cố kỹ thuật. Các sự cố trên thường xảy ra là do việc can thiệp vào hệ thống điện, hệ thống vận hành của xe hoặc các thiết bị dùng điện trong xe đã xuống cấp, lớp bảo vệ bên ngoài bị hao mòn. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nhiều vị trí trên xe tỏa nhiệt, việc gặp các vật dễ cháy cũng tăng nguy cơ cháy xe (vụ cháy xe 7 chỗ ngày 31-5 tại tỉnh Thái Bình là do rơm cuốn dưới gầm xe).
Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (Sở GT-VT) cũng ghi nhận tình trạng nhiều xe ô tô tự ý “độ” thêm các thiết bị điện, dùng công suất cao hơn so với thiết bị gốc của nhà sản xuất.
Anh Trần Minh Lợi, Trưởng dây chuyền kỹ thuật Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi gặp nhiều xe, nhất là xe khách loại 45 chỗ, gắn thêm đèn, loa, còi, tivi, tủ lạnh... buộc thợ câu mắc thêm các dây điện nhưng không chú ý đến an toàn. Vì để một số thiết bị dùng điện công suất cao như: tivi, tủ lạnh hoạt động, thợ phải lắp thêm bộ chuyển đổi điện 12V sang điện 220V. Việc này rất dễ gây chập điện làm tăng nguy cơ cháy”.
* Làm gì để ngăn cháy
Để ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ cháy xe, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cũng đã có lưu ý người lái xe, chủ phương tiện cần thận trọng, không chủ quan khi chở hàng hóa; đặc biệt khi vận chuyển các loại xe, máy móc bên trong cũng phải đảm bảo không còn nhiên liệu bên trong. Người lái xe cũng cần chú ý khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như: rơm, rác ny-lông, cỏ khô. Đồng thời chỉ nạp nhiên liệu tại những cây xăng, dầu đạt chuẩn và phải đổ đúng nhiên liệu dành cho xe.
Anh Trần Minh Lợi cho biết thêm: “Chủ xe phải chú ý bảo dưỡng xe định kỳ đảm bảo xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt, không được lắp thêm các thiết bị công suất cao vào hệ thống điện của xe. Kiểm tra tình trạng xe trước và trong mỗi chuyến đi, nhất là hệ thống điện, xăng, dầu, nhiệt độ của nước làm mát. Khi vận hành xe phát hiện ra trục trặc của hệ thống điện, có mùi khét thì nên dừng lại kiểm tra ngay”.
Để đảm bảo an toàn cho người trên xe khi không may xảy ra cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo, khi đang lái xe mà phát hiện có lửa, mùi khói, nên nhanh chóng điều khiển cho xe dừng lại ở lề đường. Người trong xe cần thoát hết ra ngoài sau đó mới dùng bình chữa cháy, các phương tiện chữa cháy sẵn có để xử lý hoặc gọi ngay cho đường dây nóng 114.
Thiếu tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh nói thêm: “Việc thoát ra ngoài là điều quan trọng nhất. Trong trường hợp cửa bị kẹt, hãy phá vỡ kiếng xe bằng búa chuyên dụng, các vật dụng nhọn, cứng. Khi đã thoát được ra ngoài, hãy giúp đỡ cho những người còn ở trong xe có thể ra ngoài. Sau đó, hãy chạy xa khỏi xe để tránh những thương tổn từ sức nóng, nguy cơ cháy nổ”.
Đăng Tùng