Bài báo Tách thửa đất: Chờ quy định mới đăng trên Báo Đồng Nai online phản ánh về những quy định mới trong tách thửa đất trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).
Bài báo Tách thửa đất: Chờ quy định mới đăng trên Báo Đồng Nai online phản ánh về những quy định mới trong tách thửa đất trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ).
Người dân làm thủ tục đất đai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP.Biên Hòa (Ảnh minh họa). Ảnh: K.Liễu |
Nhiều BĐ cho rằng, Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định số 22) của UBND tỉnh (thay thế Quyết định 03/2018/QĐ-UBND tỉnh) quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh là hợp lòng dân, bởi có nhiều quy định tạo thuận lợi cho người dân trong việc làm thủ tục tách thửa đất.
* Người dân đồng tình
Nhiều BĐ tỏ ra phấn khởi khi biết từ ngày 1-7, khi Quyết định số 22 chính thức có hiệu lực và người dân có thể tách thửa đất để chia cho con, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc chuyển nhượng. BĐ Nguyễn Thị Thành (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khi biết quy định mới về tách thửa đất, gia đình tôi rất mừng. Tôi có 3 người con đều đã lập gia đình nhưng chưa có điều kiện ra ở riêng. Theo Quyết định số 22 thì thửa đất 200m2 của tôi đã đủ điều kiện để tách thửa chia cho các con, khi quyết định có hiệu lực tôi sẽ nộp hồ sơ xin tách thửa ngay”.
Theo BĐ Phan Văn Ngọc (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), Quyết định số 22 quy định rất rõ ràng về diện tích tối thiểu để tách thửa với các loại đất. Trong đó, đất ở tại các đô thị diện tích tách thửa nhỏ nhất là 60m2. Đất ở tại khu vực nông thôn, diện tích tối thiểu để được tách thửa là 80m2. Đối với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu để tách thửa là 500m2 với khu vực đô thị và 1 ngàn m2 với vùng nông thôn. Riêng với đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) khi muốn tách thửa sẽ do UBND cấp huyện quyết định.
“Quyết định số 22 đã tạo ra hướng mở, giải quyết được những vướng mắc trước đây khi áp dụng quyết định 03/2028/QĐ-UBND của tỉnh và phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Quyết định cũ hướng đến siết chặt tình trạng phân lô, bán nền đất tràn lan làm ảnh hưởng quy hoạch chung về xây dựng. Tuy nhiên, khi áp dụng hạn chế việc tách thửa đã gây ảnh hưởng tới nhiều gia đình, cá nhân khi có nhu cầu tách thửa đất để cho con cái, người thân hoặc chuyển nhượng. Quyết định số 22 đã nới việc tách thửa, tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân trong tách thửa” - BĐ Phan Văn Ngọc cho biết.
Tương tự, BĐ Phạm Thanh Phương (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) cũng cho rằng, Quyết định số 22 đã mở ra cơ hội cho nhiều người, tạo thuận lợi hơn cho người dân, nhất là những hộ nghèo có nhu cầu về tách thửa.
Theo quy định tại Quyết định số 22 thì UBND cấp huyện sẽ cho phép tách thửa đất với các hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, UBND cấp huyện sẽ căn cứ vào những quy định pháp luật khác có liên quan quyết định việc cho phép tách thửa đối với trường hợp cụ thể là hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo theo quy định của HĐND tỉnh; người có hoàn cảnh khó khăn; tặng cho quyền sử dụng đất cho con hoặc nhận thừa kế quyền sử dụng đất có nhu cầu tách thửa nhưng không đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định.
“Quy định này không chỉ tạo hướng mở mà còn mang tính nhân văn, khi áp dụng sẽ giúp cho nhiều hộ gia đình, cá nhân thuộc những đối tượng nêu trên khi có nhu cầu tách thửa đất không còn bức xúc vì không thực hiện được do vướng vào một số quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa” - BĐ Phạm Văn Hùng (ngụ xã Thừa Đức, H.Cẩm Mỹ) nhận xét.
* Tăng cường công tác quản lý
BĐ Phạm Thanh Phương cho biết thêm, về điều kiện được tách thửa đất tại Quyết định số 22 vẫn còn nhiều ràng buộc, nhất là đối với đất nông nghiệp, là chưa phù hợp. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp quy định diện tích tối thiểu để tách thửa là 500m2 với khu vực đô thị và 1 ngàn m2 với vùng nông thôn. Nếu áp dụng quy định này đối với một số khu vực thuộc các xã giáp với các khu công nghiệp như: Bắc Sơn, Sông Trầu, Giang Điền (H.Trảng Bom) sẽ thiệt thòi cho người dân có nhu cầu tách thửa. Do ở khu vực này đất của nhiều hộ đã bị thu hồi làm khu công nghiệp nên diện tích không còn nhiều, khó đáp ứng điều kiện để được tách thửa.
“Chính quyền địa phương khi giải quyết nhu cầu tách thửa cho người dân ở những khu vực trên cần linh động xem xét điều kiện thực tế để có hướng giải quyết phù hợp” - BĐ Phạm Thanh Phương kiến nghị.
Trong khi đó, BĐ Ôn Lâm Thanh Huyền (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) dự đoán, sau khi Quyết định số 22 có hiệu lực sẽ có tác động mạnh đến sự phát triển của địa phương. Đồng thời, sẽ xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi tách thửa đất, do vậy các cơ quan chức năng cần có sự chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, con người cũng như ban hành các quy định cụ thể về tách thửa phù hợp với địa phương mình để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhiều BĐ cho rằng dù chính sách tốt nhưng nếu tổ chức thực hiện kém hoặc buông lỏng quản lý thì sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề do việc tách thửa đất, xây dựng nhà sau khi tách thửa không được kiểm soát chặt theo đúng quy định của pháp luật. Ðể bảo đảm người dân thực hiện đúng quy định, nhiều BĐ kiến nghị lãnh đạo các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh tình trạng đầu cơ đất, chia lô bán nền, khiến những khu dân cư tự phát mọc lên gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung.
Kim Liễu