Chị N.H.V. (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho biết, theo quy định tới ngày 2 đầu tháng thì công ty phát lương cho tháng trước. Tuy nhiên đến ngày 8-4, chị vẫn chưa nhận được lương. Khi công nhân thắc mắc thì được đại diện công ty trả lời, do công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mới xảy ra vấn đề này.
* Chị N.H.V. (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho biết, theo quy định tới ngày 2 đầu tháng thì công ty phát lương cho tháng trước. Tuy nhiên đến ngày 8-4, chị vẫn chưa nhận được lương. Khi công nhân thắc mắc thì được đại diện công ty trả lời, do công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mới xảy ra vấn đề này mong người lao động (NLĐ) thông cảm nhưng không nói thời điểm sẽ trả lương cho công nhân. Chị V. hỏi trong trường hợp này công ty đúng hay sai?
- Luật Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, về nguyên tắc trả lương pháp luật quy định NLĐ được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Chỉ cần 1 ngày chậm trả lương, nợ lương và trả lương không đầy đủ là vi phạm pháp luật, vi phạm giao kết về thời gian trả lương, mức tiền lương mà doanh nghiệp ký kết với NLĐ trước đó. Trừ trường hợp đặc biệt (quy định tại Khoản 2, Điều 24, Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động) như: do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác (trong trường hợp này bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 1 tháng.
Luật sư Vũ Ngọc Hà phân tích thêm, vấn đề chậm trả lương, trả lương không đủ, không đúng hạn... trước đây rất ít xảy ra đối với các doanh nghiệp vì vấn đề này được các doanh nghiệp đưa vào kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh rất cụ thể, bài bản, khoa học. Tuy nhiên, trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh tác động không nhỏ đến phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nên một vài doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới chậm trả lương, nợ lương của NLĐ là khó tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề, NLĐ và doanh nghiệp có thể ngồi lại với nhau thỏa thuận hướng giải quyết, doanh nghiệp không được đơn phương quyết định dẫn tới xung đột, tranh chấp.
Diễm Quỳnh (ghi)