Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc phục sự cố internet chập chờn

10:04, 10/04/2020

Trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng internet để làm việc, học tập và giải trí của người dân tăng cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dùng thời gian gần đây, đường truyền internet không ổn định, thường chập chờn và rất chậm.

Trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng internet để làm việc, học tập và giải trí của người dân tăng cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dùng thời gian gần đây, đường truyền internet không ổn định, thường chập chờn và rất chậm.

Việc gia tăng nhu cầu sử dụng internet tại nhà để làm việc, học tập và giải trí cũng là một trong những nguyên nhân khiến internet trong nhà bị chậm. Trong ảnh: Một học sinh tiểu học ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) tham gia học trực tuyến tại nhà. Ảnh: K.Liễu
Việc gia tăng nhu cầu sử dụng internet tại nhà để làm việc, học tập và giải trí cũng là một trong những nguyên nhân khiến internet trong nhà bị chậm. Trong ảnh: Một học sinh ở TP.Biên Hòa tham gia một khóa học trực tuyến. Ảnh: K.Liễu

* Nhu cầu sử dụng internet tăng cao

Đại diện một số nhà mạng ở Đồng Nai cho biết, khi thực hiện cách ly toàn xã hội, nhiều người trong nhà truy cập internet cùng một lúc  dẫn đến việc kết nối mạng chậm. Ngoài ra, khi làm việc tại nhà, nhiều người sẽ thấy internet chậm là do đường truyền internet ở nhà không mạnh bằng ở cơ quan, doanh nghiệp vì những nơi này đăng gói cước đắt hơn nên có tốc độ đường truyền cao hơn. Hệ thống cung cấp internet cho doanh nghiệp cũng tân tiến và đắt tiền hơn các thiết bị được lắp đặt miễn phí cho hộ gia đình.

Để mạng thôi chập chờn, ngoài việc nâng tốc độ đường truyền của các nhà mạng, các chuyên gia mạng khuyến cáo người dùng cần thiết lập thói quen sử dụng mạng hiệu quả, tránh lãng phí như: không nên truy cập vào nhiều website, mở nhiều ứng dụng trên internet cùng một lúc. Người sử dụng mạng nên cẩn trọng bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình trực tuyến.

Bên cạnh đó, theo một số nhà mạng ở Đồng Nai, một nguyên nhân khác khiến internet chập chờn nữa là do ở các khu vực có đông hộ dân cùng sinh sống, nhiều mạng wifi được lắp cạnh nhau khiến chồng chéo kênh, dẫn đến nhiễu tín hiệu. Mặt khác, nhiều người dùng máy tính cá nhân không để ý việc máy bị nhiễm virus, bởi virus có thể sử dụng tín hiệu đường truyền internet và tài nguyên hệ thống cho mục đích khác khiến tốc độ kết nối mạng của máy bị chậm.

Nhằm bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông trước nhu cầu sử dụng internet tăng vọt như hiện nay, mới đây, Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) đã phát động các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chương trình cam kết đồng hành với người dân phòng, chống dịch Covid-19. Bộ TT-TT đề nghị các nhà mạng bảo đảm chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng tốc độ tối thiểu của nhiều gói cước dịch vụ truy nhập internet cố định lên 50% nhưng không tăng giá, tăng dung lượng sử dụng dữ liệu data của nhiều gói cước 3G lên 50% nhưng không tăng cước.

* Nhiều chương trình hỗ trợ người dùng internet 

Hưởng ứng phát động của Bộ TT-TT và để đáp ứng nhu cầu sử dụng internet tăng cao của người dân, hiện nay các nhà mạng: Viettel, Mobifone, Vinaphone… đã đưa ra nhiều gói cước di động hỗ trợ khách hàng. Mới đây, các nhà mạng di động và các nhà cung cấp dịch vụ internet gồm: CMC, Viettel, FPT cũng đã cam kết với Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) sẽ tặng khách hàng 50% dung lượng gói data khi dùng dịch vụ 3G, nâng tốc độ internet lên 50% không tăng giá cước…

Đại diện VNPT Đồng Nai cho biết, hiện tại hàng triệu khách hàng Vinaphone sử dụng 3G trên toàn quốc đã được tặng 50% dung lượng gói data. Đối với dịch vụ internet, kể từ ngày 9-4, đơn vị đã nâng các gói có tốc độ dưới 50Mbps lên 50Mbps nhằm gia tăng chất lượng đường truyền đáp ứng nhu cầu cho gia đình sử dụng trong thời gian cách ly xã hội. Chương trình sẽ được áp dụng trong 3 tháng cho tất cả khách hàng sử dụng gói internet hoặc gói tích hợp internet - truyền hình của VNPT có tốc độ dưới 50Mbps. Như vậy, việc sử dụng internet của cả gia đình cùng lúc như làm việc, học tập, giải trí sẽ luôn được đảm bảo.

Để hỗ trợ người dùng, đại diện Viettel Đồng Nai cho hay, đơn vị đã chủ động nâng mức độ băng thông từ 1,5-2 lần. Đối với mạng di động, Viettel cũng chủ động nâng dung lượng trên trạm 4G, cơ bản đảm bảo được băng thông cho thuê bao 4G. Nhà mạng này cũng đã chủ động liên hệ các điểm cách ly phòng, chống dịch Covid-19 để sẵn sàng các phương án miễn phí wifi. Đối với những người cách ly 14 ngày, Viettel sẽ có các gói cước về thoại và data cho khách hàng.

Ông Trần Xuân Thao, Phó giám đốc Mobifone Đồng Nai cho biết, ngoài các hình thức hỗ trợ như: tặng 50% data cho người sử dụng 3G, khuyến mãi 30% gói cước gọi quốc tế đến các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…, Mobifone Đồng Nai đang có chương trình gửi tặng gói cước với các ưu đãi vượt trội nhằm đảm bảo liên lạc của lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, tất cả thuê bao thuộc đối tượng áp dụng đăng ký thành công gói cước C120 trong thời gian triển khai chương trình được miễn phí chu kỳ đầu tiên. Ưu đãi gói C120 (giá gói 120 ngàn đồng/30 ngày): miễn phí tất cả các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút, 50 phút gọi liên mạng, 2GB data tốc độ cao/ngày.

Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông tại Đồng Nai cũng có nhiều chương trình ưu đãi như: giảm giá, giãn nợ cước, tặng dữ liệu, miễn cước sử dụng các nội dung học tập, giải trí, nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau theo từng đối tượng. Các nhà mạng cũng mong muốn khách hàng thường xuyên phản hồi khi gặp các vấn đề về chất lượng đường truyền để nhà mạng kịp thời khắc phục sự cố, nhằm luôn đảm bảo chất lượng sử dụng internet cho khách hàng, nhất là trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội như hiện nay.

Theo các nhà mạng, sự cố mất kết nối cáp quang biển AAG xảy ra ngày 2-4 vừa qua đã ít nhiều ảnh hưởng tới việc kết nối internet quốc tế, làm gián đoạn hoặc chập chờn khi truy cập vào một số website, mạng xã hội... Mặc dù vậy, so với những lần đứt cáp AAG trước kia, sự cố lần này có thể không quá lớn, bởi nhiều nhà mạng tại Việt Nam đã định tuyến đường truyền qua nhiều tuyến cáp khác, trong đó có tuyến APG băng thông “khủng” được đưa vào hoạt động hồi cuối năm 2016 cùng một số tuyến cáp quang biển và đất liền khác.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích