Báo Đồng Nai điện tử
En

Pháp luật nghiêm cấm

11:12, 23/12/2019

Thời gian qua, trên nhiều mạng xã hội (Facebook, Zalo...) rao bán công khai các loại quân trang, quân phục của lực lượng công an, quân đội. Hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn diễn ra công khai.

Thời gian qua, trên nhiều mạng xã hội (Facebook, Zalo...) rao bán công khai các loại quân trang, quân phục của lực lượng công an, quân đội. Hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn diễn ra công khai.

Một nón kepi của cảnh sát giao thông được rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Đông Hồ
Một nón kepi của cảnh sát giao thông được rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh: Đông Hồ

Việc đặt mua quân trang, quân phục của lực lượng công an, quân đội trên mạng xã hội rất dễ. Chỉ cần lên các trang mạng xã hội gõ các từ như “giày da sĩ quan”, “dây lưng sĩ quan”, “nón kepi”... sẽ hiện ra nhiều tài khoản cá nhân rao bán công khai các loại quân trang, quân phục này.

* Cần là có

Muốn mua hàng, người mua chỉ cần nhắn tin hoặc bình luận trên trang cá nhân của người bán về món hàng muốn mua, cung cấp địa chỉ nhận hàng... Khi hai bên chấp thuận mức giá và phương thức giao hàng, thanh toán thì chỉ vài ngày sau, món hàng ấy sẽ được chuyển về tận nhà người mua.

Anh C.T. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, các mặt hàng quân phục, quân trang thường bán công khai trên mạng xã hội là mũ vải, quần áo ngụy trang, giày, dây thắt lưng, ba lô. Thậm chí quân hàm, quân hiệu cũng có thể mua dễ dàng. Người mua cần mua loại quân trang, quân phục nào cũng được đáp ứng, muốn xem hình chi tiết thì người bán sẽ quay clip, chụp hình gửi qua để lựa chọn.

Phóng viên đã trao đổi với một số chủ tài khoản Facebook chuyên rao bán quân trang, quân phục trên mạng xã hội thì được biết, họ đều biết việc mua, bán quân trang, quân phục là vi phạm pháp luật nên họ chỉ bán công khai những món đơn giản như mũ, quần áo. Riêng một số thứ như: quân hàm, quân hiệu, thậm chí áo giáp, mũ bảo hộ quân sự... được bán “kín đáo” dưới dạng “câu lạc bộ sưu tầm và giao lưu”.

Anh V. (chủ tài khoản Facebook H.N.Đ., chuyên bán quân trang, quân phục trên mạng xã hội) nói thêm, để bán các loại quân trang trên mạng xã hội, người bán phải tìm cách đánh lạc hướng chú ý của lực lượng chức năng. Cụ thể, người bán sẽ đăng sản phẩm muốn bán cùng với nhiều món đồ khác và kèm theo một câu dẫn “ai quan tâm inbox (nhắn tin riêng) mình”. Hoặc nếu như có người hỏi thẳng có sợ vi phạm pháp luật hay không, người bán sẽ trả lời đây là đồ sưu tập, đã hết chức năng sử dụng nên... không lo.

* Hệ lụy khó lường

Các quân trang, quân phục của lực lượng công an, quân đội được mua, bán dễ dàng đã để lại các hệ lụy khó lường khi thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng xuất hiện nhiều trường hợp giả danh sĩ quan công an để chặn xe, yêu cầu kiểm tra giấy tờ, đánh người (vụ việc xảy ra ngày 18-8 tại tỉnh Bình Phước); thậm chí có nhóm đối tượng giả danh công an chặn xe tải để trộm cắp tài sản (vụ việc xảy ra ngày 5-10 tại tỉnh Hà Nam).

Ngay tại TP.Biên Hòa vào sáng 26-3, Công an TP.Biên Hòa đã bắt nghi phạm mang sắc phục công an nhân dân tại Khu dân cư Phú Thịnh (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Qua xác minh của công an, nghi phạm tên Nguyễn Phúc Nhân khai đặt mua bộ trang phục công an trên mạng xã hội với giá 1,4 triệu đồng (bao gồm quần, áo, thắt lưng, quân hàm, giày, vớ…). Nhân bị bắt khi đang đi xe máy từ khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 2 đến địa bàn KP.3, phường Long Bình Tân với dấu hiệu đáng nghi.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, quân trang, quân phục của quân đội hay lực lượng công an là những mặt hàng được Nhà nước sản xuất riêng và trang bị, cấp cho các đơn vị, cá nhân trong lực lượng vũ trang để thực thi nhiệm vụ. Như vậy, việc người không công tác trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, người không được cấp phép sử dụng lại đi mua bán trao đổi trái phép những mặt hàng này là vi phạm pháp luật.

Cụ thể tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định 82/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: cấm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm giả, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hay tại Khoản 5, Điều 1, Nghị định 29/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30-10-2007 quy định cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng Công an nhân dân cũng nêu rõ: nghiêm cấm các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Công an nhân dân.

Theo cơ quan chức năng, để xử lý triệt để việc mua, bán quân trang, quân phục trên mạng xã hội cần sự phối hợp của nhiều ngành, trong đó có lực lượng công an, các đơn vị kinh doanh chuyển phát bưu phẩm, quản lý thị trường... Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cho người dân ý thức được việc mua bán quân trang, quân phục là vi phạm pháp luật để hạn chế người mua thì sẽ không còn người bán.

Tại Điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định vi phạm về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn - 1,5 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu. Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.

Đông Hồ

Tin xem nhiều