YouTube là một kênh đăng tải các video clip của mạng xã hội (MXH). Bên cạnh nhiều video clip mang tính chất chia sẻ những trải nghiệm, trò chơi, giải trí lành mạnh, thì cũng còn không ít clip thực hiện những trò đùa nhảm nhí, độc hại, thậm chí rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em.
YouTube là một kênh đăng tải các video clip của mạng xã hội (MXH). Bên cạnh nhiều video clip mang tính chất chia sẻ những trải nghiệm, trò chơi, giải trí lành mạnh, thì cũng còn không ít clip thực hiện những trò đùa nhảm nhí, độc hại, thậm chí rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em.
Kênh YouTube của N.T.N. đăng clip thực hiện thử thách thả rơi 100 con dao nhọn từ mái nhà xuống đất và dùng xe cán lên ngôi nhà làm từ 5 ngàn ly nhựa. (Ảnh lấy từ nguồn internet) |
Điều đáng quan tâm, trên YouTube có một số vlog (viết tắt của cụm từ video blog - nghĩa là những thông tin cá nhân được truyền tải dưới dạng video clip) có tính chất “xúi” làm bậy, nêu gương xấu, độc hại nhưng vẫn có hàng triệu lượt theo dõi cũng như hàng ngàn lượt chia sẻ, không có bất kỳ cảnh báo nào, đặc biệt là đối với trẻ em.
* Bất chấp nguy hiểm để “câu like”
Nổi đình nổi đám trong “giới vlog” hiện nay phải kể đến N.T.N. (quê tỉnh Thái Bình). Vlog của youtuber này có với hơn 8 triệu lượt theo dõi. Mới đây, vlog này đã khiến dư luận dậy sóng và hàng ngàn lượt dislike (không thích) cùng vô số “gạch đá” kêu gọi tẩy chay khi đăng tải clip thực hiện thử thách thả 100 con dao nhọn từ mái nhà xuống đất. Phần lớn những bình luận chỉ trích hành động này là “câu view” bất chấp nguy hiểm, gây tác động xấu đến trẻ em.
Trước đó, N.T.N. Vlog còn đăng tải nhiều video clip có thể gây nguy hiểm như: thử đốt 100 ngàn que diêm trong bồn cầu để xem phản ứng gây nổ; thả lon coca vào chảo dầu đang sôi 300OC; đập iPhone 10, làm chuồng nhỏ cao cả chục mét chỉ trên 1 cây sắt...
Riêng clip làm nhà bằng 5 ngàn ly nhựa, youtuber N.T.N. cũng nhận được rất nhiều chỉ trích khi thanh niên này mua 5 ngàn ly nhựa về dán thành một ngôi nhà nhỏ, sau đó dùng xe mô tô cán bẹp rồi vứt ra bãi rác... Nhiều người cho đây là hành động vô bổ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Không chỉ có vlog của N.T.N làm những chuyện vô bổ, độc hại để “câu like”, “câu view”, mà nhiều youtuber khác cũng làm những trò bất chấp cả đạo lý như chủ nhân kênh Ông Mập Vlog đã đổ cả thau nước mắm lên đầu mẹ của mình chỉ để “ăn mừng” cán mốc 1 ngàn lượt người theo dõi trên YouTube; hay youtuber Tiến Lắp đổ một thau 200 quả trứng lên đầu mẹ của mình khi bà này đang gội đầu ngoài sân cũng để “tự thưởng” khi đạt 20 ngàn lượt theo dõi trên kênh MXH này. Tương tự, Hậu Cáo Vlog cũng thường xuyên đăng tải những clip man rợ về hành hạ động vật như: dùng dụng cụ khò lửa thiêu sống bầy chim non mới nở, bổ sọ khỉ sống lấy não, thui sống chó mèo...
* Hệ lụy khó lường
Mới đây, nhiều phụ huynh bàng hoàng khi báo chí đưa tin một cháu bé 7 tuổi ở huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu vì bắt chước trò “thắt cổ nhưng vẫn... thở được” trên YouTube. Người thân đã phát hiện ra cháu bé khi đang treo cổ lơ lửng trên dây phơi quần áo bằng một chiếc khăn quàng. Khi được đưa xuống, cháu bé đã hôn mê, rất may sau đó cháu đã được các bác sĩ ở Bệnh viện nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh cứu sống. Khi tỉnh táo, cháu bé cho biết nguyên nhân có hành động như trên là do muốn làm theo trò ảo thuật trên kênh YouTube dù thắt cổ nhưng vẫn... thở được.
Theo bác sĩ CKII Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bệnh viện cũng đã từng xử lý một số trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, bị phỏng do bắt chước làm theo các video clip trên YouTube. Hiện nay, nhiều trẻ em rất thích xem các video clip trên mạng, do không phân biệt được thật - giả, chưa lường hết được những nguy hiểm nên cứ vô tư làm theo, dẫn đến tự gây tai nạn cho mình. |
Những chuyện trẻ con bắt chước làm theo những trò “câu view” trên YouTube được cha mẹ chia sẻ khá nhiều trên Facebook. Mới đây, chủ tài khoản Facebook T.M. đăng status: “Các mẹ ơi cẩn thận khi cho con xem mấy kênh YouTube độc hại nha. Hôm qua, khi đang gội đầu trong nhà tắm, bỗng mình thấy thứ gì nhớt nhợt trên đầu. Vuốt tóc xuống thì thấy đầy trứng sống, còn thằng con 9 tuổi bên ngoài cửa phòng tắm vỗ tay cười khanh khách. Khi hỏi vì sao làm thế với mẹ, cu cậu hồn nhiên trả lời, có anh kia trên YouTube còn đổ cả thau trứng vào đầu mẹ anh ấy, con đổ có 5 quả thôi”.
Có thể nói kênh YouTube ở Việt Nam đang nở rộ như “nấm sau mưa”. Với không ít youtuber xem việc làm các video clip không chỉ để “câu” like (thích), view (xem) và share (chia sẻ) là trò đùa vui mà còn là nghề kiếm thu nhập từ việc quảng cáo. Vì vậy, nhiều người “sáng tạo” những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí rất nguy hiểm chỉ để “câu view”. Điều đáng nói, hầu như không có kênh YouTube nào cảnh báo trẻ em hay giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều trẻ em thì được cha mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát nội dung.
“Khó có thể quản lý được các video clip trên kênh YouTube của MXH hiện nay. Ngoài những kênh có nội dung chia sẻ hay, hữu ích thì cũng có quá nhiều kênh YouTube nhảm nhí, thậm chí là phản cảm và nguy hiểm” - Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Giang Thị Thu Nga cho biết.
Theo bà Giang Thị Thu Nga, ngoài trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn, chọn lọc cho con xem các kênh lành mạnh, mang tính giáo dục, phù hợp với từng độ tuổi; đồng thời quản lý và giám sát thời gian, nội dung để biết con mình đang tiếp cận với trang thông tin nào. Ngoài ra, cha mẹ nên cài đặt thiết bị ở chế độ hạn chế truy cập hoặc hướng dẫn trẻ biết tránh xa những video có nội dung không lành mạnh. Tốt nhất, cha mẹ nên dành thời gian chơi, trò chuyện với con chứ không chỉ biết “giao” cho con một thiết bị thông minh để con muốn xem gì thì xem, làm gì thì làm...
Phương Liễu