Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ người bị tai nạn lao động đòi quyền lợi

09:12, 15/12/2019

Thời gian qua, rất nhiều người lao động bị tai nạn lao động (TNLĐ) nhưng chủ doanh nghiệp thường né tránh trách nhiệm hoặc giải quyết các chế độ chưa thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Thời gian qua, rất nhiều người lao động bị tai nạn lao động (TNLĐ) nhưng chủ doanh nghiệp thường né tránh trách nhiệm hoặc giải quyết các chế độ chưa thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Một trường hợp người lao động bị tai nạn lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn nhờ hỗ trợ về mặt pháp lý. Ảnh: N.An
Một trường hợp người lao động bị tai nạn lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn nhờ hỗ trợ về mặt pháp lý. Ảnh: N.An

Nhờ các luật sư, tư vấn viên của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tận tình hỗ trợ về mặt pháp lý nên nhiều người lao động bị TNLĐ đã đòi lại được quyền lợi của mình.

* Doanh nghiệp “né” trách nhiệm

Điển hình trường hợp anh Châu Thanh Bạch (33 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) được trung tâm giúp đỡ kịp thời nên vụ việc của anh đang được công ty xem xét giải quyết. Anh Bạch kể, tháng 8-2017, anh được một công ty ở huyện Vĩnh Cửu nhận vào làm việc. Công việc của anh là công nhân cơ khí sửa chữa máy móc với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng.

Tháng 9-2019, anh Bạch được phân công đến nhận nhiệm vụ sửa chữa máy trộn bê tông bị hư hỏng của công ty. “Trước khi sửa máy, tôi có yêu cầu tắt nguồn điện để đảm bảo an toàn lao động. Thế nhưng, trong lúc tôi đang làm việc thì một người khác đã tự ý bật nguồn điện, khiến máy trộn bê tông đột ngột hoạt động và cuốn đứt lìa cánh tay phải của tôi” - anh Bạch kể lại.

Khi tai nạn xảy ra, phía công ty đã đưa anh Bạch đến bệnh viện cấp cứu và điều trị kịp thời, đồng thời thanh toán đầy đủ tiền thuốc, viện phí, lương của tháng 9-2019 cho anh. Tuy nhiên, công ty không làm hồ sơ để giới thiệu anh đi giám định tỷ lệ mất sức lao động do thương tật. Sau khi nhờ Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn hỗ trợ làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng, công ty đồng ý giới thiệu anh đi giám định tỷ lệ mất sức lao động để dùng làm căn cứ giải quyết các chế độ cho phù hợp.

Tương tự, trường hợp anh Ngôn Đức Huyện (33 tuổi, phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) được trung tâm giúp đỡ kịp thời nên anh đã được doanh nghiệp bồi thường TNLĐ hơn 43 triệu đồng. Anh Huyện chia sẻ, anh được một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Khu công nghiệp Tam Phước nhận vào làm việc hơn 9 năm. Ngày 14-7-2011, anh Huyện đang đẩy khúc gỗ vào máy để uốn cong và cắt theo mẫu thì không may bị dao tubi đánh đứt 4 ngón tay của bàn tay phải. Anh được công ty đưa đến bệnh viện để phẫu thuật và điều trị kịp thời.

Ngày 21-12-2011, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Đồng Nai có biên bản kết luận là anh Huyện bị mất sức lao động với tỷ lệ 51%. Tuy nhiên, công ty chỉ thanh toán tiền lương, tiền thuốc, viện phí, chứ không giải quyết tiền bồi thường TNLĐ theo quy định. Anh Huyện không am hiểu về pháp luật nên cũng không biết quyền lợi của mình để khiếu nại. Mãi gần 8 năm sau, tức vào tháng 6-2019, anh được một người quen giới thiệu đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn nhờ tư vấn thì mới biết công ty còn giải quyết thiếu cho mình hơn 43 triệu đồng tiền bồi thường TNLĐ. Sau khi nhờ trung tâm soạn đơn gửi cơ quan chức năng can thiệp thì công ty mới chịu giải quyết cho anh.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp người lao động bị TNLĐ khác được trung tâm trợ giúp kịp thời nên họ cũng đòi được quyền lợi như: anh Lê Minh Vương (25 tuổi, phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) được công ty nơi anh làm việc (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) giải quyết hơn 60 triệu đồng; ông Lê Văn Hiền (49 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) được công ty nơi ông đang làm việc (Khu công nghiệp Tam Phước) giải quyết trên 53 triệu đồng...

* “Điểm tựa” của người lao động

Theo quy định của pháp luật, khi người lao động bị TNLĐ thì họ được hưởng các chế độ: tiền lương trong thời gian điều trị TNLĐ; thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu cho đến khi ổn định thương tật; giới thiệu đi giám định mức độ suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa; người sử dụng lao động phải bồi thường hoặc trợ cấp theo quy định của pháp luật; cơ quan BHXH chi trả chế độ trợ cấp bảo hiểm tai nạn 1 lần hoặc hằng tháng (tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động). Ngoài ra, nếu người lao động có nhu cầu tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp với sức khỏe.

Quy định của pháp luật đã rõ, nhưng trên thực tế khi người lao động bị TNLĐ thì họ gặp rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý trong việc đấu tranh với người sử dụng lao động để đòi quyền lợi của mình. Bởi có nhiều doanh nghiệp cố tình tránh “né” trách nhiệm hoặc giải quyết các chế độ chưa đầy đủ cho người lao động. Trong khi người lao động còn nhiều hạn chế về kiến thức pháp luật nên không biết mình được hưởng những chế độ nào.

Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Vũ Ngọc Hà cho biết thêm, nhiều vụ TNLĐ xảy ra do lỗi của người sử dụng lao động thiếu quan tâm đến công tác tập huấn vệ sinh an toàn lao động cho người lao động.

“Khi TNLĐ xảy ra, bản thân người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi vì bị ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất lao động, giảm thu nhập, thậm chí có người còn mang thương tật nặng nề, mất sức lao động. Vì vậy, khi tiếp nhận các vụ hỗ trợ pháp lý liên quan đến TNLĐ, chúng tôi rất quan tâm và trợ giúp hết mình để giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật” - luật sư Vũ Ngọc Hà nói.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện Đồng Nai vẫn là một trong 5 tỉnh, thành có số vụ TNLĐ nhiều nhất cả nước. Riêng trong 9 tháng của năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 685 vụ TNLĐ, trong đó có 17 vụ tai nạn gây chết 17 người. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu do phía người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (chiếm gần 60%) và do người lao động chủ quan, vi phạm nội quy lao động (chiếm 21%).

Nhân An

Tin xem nhiều
Tổng hợp tin đăng viec lam nhanh mới nhấtTổng hợp tin đăng tim viec lam mới nhấtKhám phá tuyển dụng việc làm 24h