Từ ngày 30-10, Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND ngày 16-10-2019 của UBND tỉnh quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (viết tắt là Quyết định 41) có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những quy định mới của quyết định nói trên, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết:
Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Sở Tài nguyên - môi trường. Ảnh: K.Liễu |
Từ ngày 30-10, Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND ngày 16-10-2019 của UBND tỉnh quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (viết tắt là Quyết định 41) có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những quy định mới của quyết định nói trên, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết:
- Quyết định 41 sẽ có nhiều điểm mới được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể như: phân cấp trung tâm phát triển quỹ đất; định giá đất, thời điểm bàn giao đất; hướng xử lý đối với trường hợp đất vắng chủ, thời gian bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án…
* Việc ban hành quy định phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư góp phần hỗ trợ công tác này ra sao, thưa ông?
- Hiện nay, Nhà nước chưa ban hành quy định về trình tự thủ tục bồi thường nên UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương ban hành Quyết định 41 quy định phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ sở để các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, trung tâm phát triển quỹ đất, người sử dụng đất, các tổ chức và cá nhân có liên quan… áp dụng khi triển khai giải phóng mặt bằng, nhằm tạo thuận lợi cho các dự án triển khai đúng thời gian quy định.
Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ quan chức năng nhận thấy còn nhiều điểm bất cập nên đã điều chỉnh phân cấp lại đối với trung tâm phát triển quỹ đất, trước đây là 1 cấp giờ chuyển thành 2 cấp (Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh và trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa). Việc phân cấp sẽ tạo thuận lợi hơn trong công tác phối hợp của các cơ quan chức năng khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với từng dự án cụ thể.
* Theo Quyết định số 41 thì thời điểm định giá đất được điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Trước đây, thời điểm định giá đất được thực hiện ngay sau khi thành lập hội đồng bồi thường của dự án. Việc này dẫn đến nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến việc phê duyệt phương án bồi thường. Có trường hợp nhiều dự án giá đất đã được UBND tỉnh phê duyệt xong nhưng UBND cấp huyện chưa hoàn thiện phương án bồi thường, xảy ra tình trạng cùng một dự án nhưng giá đất bồi thường khác nhau, phát sinh khiếu kiện. Quy định mới sẽ khắc phục được tình trạng này bằng cách thay đổi thời điểm định giá đất. Theo đó, thời điểm định giá đất được thực hiện sau khi đơn vị chức năng kiểm kê, xác định nguồn gốc đất đai tài sản bị thu hồi. Thời gian định giá theo quy định của tỉnh là 30 ngày làm việc.
Ngoài ra, quy định mới cũng điều chỉnh thời gian thực hiện một số khâu như: thời gian phê duyệt phương án từ 7 ngày thành 10 ngày; UBND cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường cho toàn bộ dự án và cho từng đối tượng trong cùng một ngày; rút ngắn thời gian thẩm định phương án bồi thường trước đây là 10 ngày xuống còn 7 ngày.
* Trường hợp người bị thu hồi đất không bàn giao đất, đất vắng chủ thì cơ quan chức năng xử lý ra sao?
- Theo quy định mới, thời gian để người sử dụng đất bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án là 20 ngày làm việc (tính từ ngày tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thanh toán xong tiền hỗ trợ cho người bị thu hồi đất hoặc đã chuyển vào kho bạc). Trường hợp người sử dụng đất không chịu nhận tiền bồi thường và bàn giao đất theo thời gian quy định thì UBND cấp xã, MTTQ, hội đồng bồi thường sẽ vận động thuyết phục người dân giao đất. Nếu trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày vận động lần 1 kết thúc mà người dân có đất bị thu hồi chưa giao đất, các đơn vị trên sẽ tiếp tục vận động lần 2 và ghi nhận kết quả vận động làm cơ sở để cưỡng chế thu hồi đất.
Đối với trường hợp đất vắng chủ (không có mặt để kiểm kê, nhận tiền bồi thường), thì ngay khi chuyển tiền vào kho bạc, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường sẽ lập thủ tục bàn giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án (không thực hiện các bước thủ tục cưỡng chế như trước đây).
* Việc giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ được quy định như thế nào, thưa ông?
- Người có đất bị thu hồi, tổ chức, cá nhân liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong thời hạn chưa có quyết định khiếu nại thì cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành, hủy quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi gây ra (nếu có).
Việc khiếu nại, khiếu kiện và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện thực hiện theo quy định tại Điều 204, Luật Đất đai và các quy định pháp luật hiện hành.
* Xin cảm ơn ông!
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường có hiệu lực thi hành, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng chủ trì phối hợp với chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. |
Kim Liễu (thực hiện)