Cả chục người dân ngụ TP.Biên Hòa, huyện Cẩm Mỹ và một số tỉnh khác đang khốn đốn khi phát hiện những lô đất họ đã bỏ hàng tỷ đồng để sở hữu tại phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) là đất nông nghiệp, không được phép xây dựng. Thậm chí, những lô đất này đã được chủ đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người khác.
Cả chục người dân ngụ TP.Biên Hòa, huyện Cẩm Mỹ và một số tỉnh khác đang khốn đốn khi phát hiện những lô đất họ đã bỏ hàng tỷ đồng để sở hữu tại phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) là đất nông nghiệp, không được phép xây dựng. Thậm chí, những lô đất này đã được chủ đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người khác.
Một góc khu đất nông nghiệp ở phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) do ông Trịnh Thế Giang phân lô bán nền cho nhiều người. Ảnh: G.An |
Theo một số người dân cho biết, tại thời điểm diễn ra việc mua bán khu đất nói trên (vào năm 2017), ông Trịnh Thế Giang (ngụ phường Tân Đông Hiệp, tỉnh Bình Dương) đứng tên 3 thửa đất số 53, 54 và 219 thuộc tờ bản đồ 20, ấp Tân Lập, phường Phước Tân với tổng diện tích hơn 10 ngàn m2.
* Rắc rối khi mua đất nông nghiệp
Toàn bộ khu đất nói trên được chủ đất làm hạ tầng khang trang, sạch đẹp, có trụ điện, có đường đi vào các lô đất đã được phân lô, đóng cọc khiến người mua nghĩ đây là khu dân cư đã có quy hoạch. Theo một người môi giới tên Huệ quảng cáo, khu dân cư này đang trong quá trình hoàn thiện giấy tờ, chủ đất sẽ làm thủ tục tách thửa, “bao” xây dựng.
Phó chủ tịch UBND phường Phước Tân Huỳnh Thanh Phương khuyến cáo, khi có nhu cầu mua đất, người dân nên liên hệ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để tìm hiểu thông tin quy hoạch, tính pháp lý của các khu đất để tránh mua đất tại các khu dự án “ma” hoặc đất phân lô bán nền trái phép. |
Do đó, sau khi xem đất, nhiều người đã đồng ý mua với giá bán từ 275-800 triệu đồng/nền có diện tích hơn 100m2 (tùy theo vị trí). Sau khi đặt cọc cho chủ đất số tiền từ 5-10 triệu đồng/nền, người mua sẽ được gặp trực tiếp chủ đất để trao đổi, hẹn ngày đi ký giấy tờ và chồng tiền.
Ông Q.V.Q. (ngụ tỉnh Thái Bình) cho biết, khi người môi giới dẫn đi xem đất vợ chồng tôi rất ưng ý vì cứ tưởng đây là khu dân cư mới nên đồng ý mua 1 lô đất giá 315 triệu đồng để dành sau này về đây cất nhà ở gần các con. “Họ cho mình xem bản đồ phân lô, dẫn đi thực tế hứa sẽ ra phòng công chứng sang tên nên tôi tin tưởng chồng tiền. Đến khi mua xong mới biết mình mua nhầm đất nông nghiệp không thể xây nhà” - ông Q. nói.
Sau khi giao tiền cho chủ đất, hơn 1 năm sau, người mua đất vẫn không nhận được giấy chứng nhận QSDĐ, chủ đất thì cứ hứa hẹn khiến người dân nghi ngờ. Giữa năm 2018, khi người mua đến thăm khu đất thì tá hỏa khi thấy đường đi đã bị đào xới, hàng trụ điện, cọc cắm phân lô cũng bị bứng đi, 2 căn nhà xây trước đây cũng bị đập bỏ. “Choáng váng” hơn, khi các hộ dân phát hiện toàn bộ khu đất trên đã được ông Giang chuyển nhượng QSDĐ cho người khác.
* Nhập nhằng việc chuyển nhượng
Phó chủ tịch UBND phường Phước Tân Huỳnh Thanh Phương cho biết, theo quy hoạch thì 3 thửa đất số 53, 54 và 219 thuộc tờ bản đồ 20 với tổng diện tích hơn 10 ngàn m2 (tại ấp Tân Lập, phường Phước Tân) mỗi thửa chỉ có 100m2 đất thổ cư, còn lại đều là đất trồng cây lâu năm. Tháng 12-2017 khi phát hiện ông Giang san lấp mặt bằng, đổ đá làm đường, trồng trụ điện, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm. Do ông Giang không chấp hành nên địa phương đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu cho khu đất.
Qua rà soát, kiểm tra của UBND phường Phước Tân, toàn bộ 3 thửa đất nói trên của ông Giang nay đã thuộc QSDĐ của người khác. Việc mua bán đất của ông Giang với các hộ dân chủ yếu được thực hiện tại các phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại nên chính quyền địa phương không biết. Các hộ dân khi mua đất cũng không liên hệ chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin quy hoạch, tính pháp lý của các khu đất.
Tìm hiểu vụ việc chúng tôi được biết việc mua bán đất giữa ông Giang và các hộ dân được thực hiện thông qua hợp đồng ủy quyền về việc quản lý, sử dụng, đăng ký, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các phòng công chứng và biên bản giao nhận tiền có xác nhận thông qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), những trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch (đặc biệt là bên mua). Bởi giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến nên không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực; tức là vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua.
Theo các hộ dân phản ảnh, hiện có 11 người bỏ ra hàng tỷ đồng để mua đất nền của ông Trịnh Thế Giang đã gửi đơn tố cáo ông Giang đến các cơ quan chức năng của tỉnh vì cho rằng, ông Giang có dấu hiệu lừa đảo, đem đất đã bán cho họ đi chuyển nhượng cho người khác.
Gia An