Hằng năm, đông đảo người lao động đang làm việc ở Đồng Nai thường về quê đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình. Trong số này có không ít lao động chậm trở lại làm việc, thậm chí bỏ việc dẫn đến chỗ một số doanh nghiệp thiếu lực lượng sản xuất.
Ông PHẠM VĂN CỘNG, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội. |
Hằng năm, đông đảo người lao động đang làm việc ở Đồng Nai thường về quê đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình. Trong số này có không ít lao động chậm trở lại làm việc, thậm chí bỏ việc dẫn đến chỗ một số doanh nghiệp thiếu lực lượng sản xuất. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về việc tạo điều kiện làm việc cho người lao động quay trở lại làm việc sau tết, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội PHẠM VĂN CỘNG nhận xét:
Điều cốt lõi để giữ chân người lao động gắn bó với nơi làm việc là doanh nghiệp phải có chính sách và điều kiện làm việc tốt.
Ông có nhận định gì về lực lượng lao động nhập cư ở Đồng Nai?
- Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật, lao động phổ thông khá lớn. Toàn tỉnh hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm 60%. Số lượng lao động đến từ các địa phương khác đã có đóng góp lớn trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nói riêng. Thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và các cơ quan liên quan tiếp nhận lao động từ tỉnh khác đến tìm việc làm, đáp ứng nhu cầu sản xuất ở địa phương.
Tuy nhiên, do lượng lao động nhập cư quá đông dẫn đến một số bất cập như: quá tải về hạ tầng, giao thông, nhà ở, trường học, bệnh viện…, trong khi nguồn kinh phí đầu tư về kết cấu hạ tầng chưa theo kịp. Vì theo quy định của Trung ương, lượng lao động ngoại tỉnh không được tính trong giao chỉ tiêu về tài chính ngân sách. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho địa phương khi phải giải quyết vấn đề kinh phí để đầu tư hạ tầng, đặt biệt là nhà ở cho công nhân lao động.
Theo ông, đơn vị sử dụng lao động cần phải có sự chủ động như thế nào để người lao động gắn bó với công việc và doanh nghiệp?
- Những năm gần đây, có khoảng 95-96% người lao động quay lại làm việc sau tết, số người bỏ việc không lớn. Nhìn chung, sự biến động về lao động hay xảy ra ở những doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thu hút lao động gắn bó với công ty như: không có những chính sách chăm lo cho người lao động một cách tương xứng, trả lương thấp, môi trường làm việc chưa phù hợp...
Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại sàn giao dịch việc làm được tổ chức hằng tháng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (ảnh minh họa). |
Để “giữ chân” người lao động, trong những năm qua nhiều doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi, trả lương, thưởng kịp thời, chăm lo các hoạt động thể thao, giải trí… giúp người lao động an tâm và thoải mái làm việc. Đặc biệt, trong dịp tết nhiều công ty còn tổ chức những hoạt động thiết thực như: hỗ trợ xe đưa rước công nhân lao động về quê sum họp với gia đình, trao quà cho người lao động ăn tết xa quê, tổ chức hoạt động đón xuân cho những người không về quê; tổ chức lì xì đầu năm, khen thưởng tập thể có số lao động đi làm đầy đủ kết hợp kỳ tăng lương vào thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Sau tết, lượng lao động mới đến Đồng Nai tìm việc làm thường tăng, trong số đó nhiều người không có tay nghề, vậy họ có được tạo điều kiện học nghề, giải quyết việc làm để ổn định cuộc sống?
- Hiện nay, Nhà nước chưa có các chính sách đặc thù hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh học nghề, Đồng Nai cũng chưa xây dựng các dự án hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho nguồn lao động không có nghề. Thời gian qua, chỉ người lao động có hộ khẩu thường trú trong tỉnh, học sinh của tỉnh đang học tại các trường công lập được hỗ trợ kinh phí đào tạo. đây cũng là vấn đề bất cập.
Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh hướng giải quyết vấn đề này. Qua đó, tỉnh đã giao Sở Tài chính điều chỉnh đề án đào tạo nghề để trình HĐND thông qua, bổ sung thêm đối tượng được đào tạo nghề là lao động ngoài tỉnh và học sinh các trường ngoài công lập để tạo sự bình đẳng.
Thực tế, địa phương vẫn hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động ở các tỉnh đến làm việc tại Đồng Nai được học nghề, giải quyết việc làm. Ví dụ: người lao động có thể xin việc làm tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông mà không cần trình độ tay nghề như: doanh nghiệp thuộc nhóm nghề may mặc, giày da, lắp ráp linh kiện… Thị trường lao động ở Đồng Nai vẫn đang thiếu nguồn lao động phổ thông. Vì thế, người lao động sẽ được doanh nghiệp đào tạo ngắn hạn tại phân xưởng và tiếp nhận vào làm việc.
Đối với lao động nhập cư đến làm việc ở khu vực nông thôn, nếu có nhu cầu học nghề thì có thể lồng ghép vào đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được triển khai tại các địa phương. Ngoài ra, đối tượng này còn được hỗ trợ học một nghề ngắn hạn phù hợp để xin việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Trong năm 2018, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tham mưu, tổ chức 20 sàn giao dịch việc làm đáp ứng phần nào nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nguyện vọng tìm kiếm việc làm của người lao động. Nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh như: Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam, Công ty cổ phần Taekwang Vina, Công ty TNHH Fashion Garment… đang rất thiếu nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông... |
Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)