Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2019, người dân cần sử dụng điện tiết kiệm

11:12, 03/12/2018

Chiều 3-12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2017 ngành điện lỗ 2.219 tỷ đồng.

Chiều 3-12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2017 ngành điện lỗ 2.219 tỷ đồng.

Tuyên truyền tiết kiệm điện do Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai thực hiện.
Tuyên truyền tiết kiệm điện do Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai thực hiện.

Cụ thể, theo kết quả kiểm toán độc lập về chi phí sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với giá bán điện như hiện nay tổng doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.934 tỷ đồng. Cộng các khoản thu, chi thì năm 2017 ngành điện lỗ 2.219 tỷ đồng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay năm 2018 thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã thực hiện nghiêm túc việc không xem xét nếu EVN có đề xuất tăng giá điện. Tuy vậy, việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 sẽ thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công thương ban hành. Hiện Bộ Công thương đưa ra 4 kịch bản tương ứng tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường, 2 kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thủy điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm.

Bộ Công thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng quy định, có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện. Sau khi EVN xây dựng phương án, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thẩm tra, thẩm định; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, dự kiến Bộ Công thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12-2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ.

Từ tháng 10-2018, Bộ Công thương đã làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019 và trong các tháng cuối năm 2018. Có một thực tế là nhiều hồ thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp điện năm 2019. Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN tính toán phương án cung ứng điện theo các kịch bản trên.

Có thể khẳng định sản lượng điện năm 2019 sẽ đạt 242 tỷ kWh ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh ở phương án cao, với tốc độ tăng trưởng tương đương tốc độ tăng trưởng dự báo trong tổng sơ đồ phát triển điện lực. Các phương án cung cấp điện đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du của các hồ thủy điện trong mùa khô 2019, trước mắt là cấp nước cho vụ đông xuân của Đồng bằng Bắc bộ. Qua tính toán, Bộ Công thương khẳng định các phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu có thể đắt hơn, nhưng quan trọng nhất là bảo đảm đủ điện trong năm 2019.

Do đó, Bộ Công thương mong muốn các cơ quan báo chí tuyên truyền cho các cơ quan, xí nghiệp, người dân sử dụng điện tiết kiệm, nước trong sản xuất, sinh hoạt để bảo đảm an ninh năng lượng.

Theo Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam tính đến hết năm 2017 là trên 45.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 38%. Theo quy hoạch, xu hướng phát triển nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng.

Tới năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than sẽ đạt 26.000 MW, chiếm 42,7% tổng công suất nguồn của toàn hệ thống. Tới năm 2030, tổng công suất của nhiệt điện than có thể đạt 55.300 MW, tương ứng tỷ trọng 42,6% công suất nguồn điện tại Việt Nam. Vì vậy người dân cần tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Chu Thanh Vân

Tin xem nhiều