Ngày 7-11-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 24-12-2018) quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Ngày 7-11-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 24-12-2018) quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Từ ngày 24-12-2018, lao động nữ sẽ được điều chỉnh mức lương hưu. Trong ảnh: Nhân viên nữ ở Vietcombank chi nhánh Đồng Nai. Ảnh minh họa: P.Uyên |
Việc điều chỉnh chính sách lần này đã giải tỏa những lo lắng của chị em, giảm bớt khó khăn cho lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu.
* Giải tỏa băn khoăn
Tháng 2-2019, bà Nguyễn Thị Phương, giáo viên một trường mẫu giáo ở TP.Biên Hòa sẽ về nghỉ hưu ở tuổi 55, với thời gian đóng BHXH đủ 28 năm. Nếu theo cách tính cũ (trước ngày 1-1-2018) thì bà Phương được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75% vì đã có đủ 25 năm đóng BHXH. Số thời gian 3 năm còn lại (từ năm thứ 26 trở đi) bà Phương sẽ được hỗ trợ mỗi năm nửa tháng lương.
Theo Điều 4, Nghị định 153/2018/NĐ-CP thời điểm thực hiện điều chỉnh lương hưu tính từ tháng lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu. Đối với lao động nữ đã hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1-1-2018 đến trước ngày được nhận lương hưu mới theo quy định tại nghị định này sẽ được truy lãnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại nghị định này. |
Nhưng với cách tính lương hưu theo Điều 56 Luật BHXH năm 2014 sửa đổi (áp dụng từ ngày 1-1-2018), bà Phương chỉ được hưởng 71% lương hưu, đồng thời mất luôn khoản hỗ trợ từ 3 năm dư. Do đó, muốn hưởng mức lương hưu cao nhất là 75%, bà Phương phải đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm nữa. “Giáo viên mầm non vốn đã vất vả, giờ về hưu chỉ được tính mức 71% lương nên thấy mình chịu nhiều thiệt thòi. Lương giáo viên thấp, về hưu làm gì có tiền đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm để được hưởng 75% lương hưu. Nay Chính phủ đã có điều chỉnh, tôi sẽ được cộng thêm 3,38%. Như vậy tổng cộng tôi được hưởng 74,38% lương hưu, tuy không bằng mức cũ, nhưng như thế đã tốt rồi” - bà Phương nói.
Tương tự, bà Võ Thị Thu Thanh - công chức trong ngành Văn hóa sẽ về hưu vào tháng 6-2019 với đủ 26 năm đóng BHXH, theo cách tính lương hưu hiện hành, bà chỉ được 67% lương hưu. Bà Thanh cho hay cách tính này rất thiệt thòi cho lao động nữ. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu cho lao động nữ trong tháng 12 này, cụ thể trường hợp của bà sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,16%, như vậy tổng cộng bà được hưởng mức lương hưu là 74,16%.
Thực tế, nhiều lao động nữ băn khoăn về cách tính lương hưu hiện hành với lộ trình tăng thời gian đóng BHXH giữa nam và nữ quá chênh lệch. điều này đồng nghĩa với lao động nữ khi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng mức lương hưu 75%, trong khi trước đây chỉ là 25 năm.
* Điều chỉnh kịp thời
Trao đổi về chính sách lương hưu mới, Phó giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho rằng Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định về điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ chế độ từ năm 2018-2021 là rất kịp thời.
Chú thích ảnh bảng tính: Bảng quy định cách tính mức lương hưu điều chỉnh theo thời gian đóng BHXH đối với lao động nữ cho từng năm theo NĐ 153/2018/NĐ-CP. |
Theo ông Thành, từ ngày 1-1-2018 việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo Luật BHXH năm 2014 sửa đổi đã làm phát sinh sự chênh lệch về mức hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ rất lớn. Cách tính lương hưu này khiến lao động nữ nghỉ hưu từ sau ngày 1-1-2018 có tỷ lệ lương hưu giảm khoảng 10% so với nam giới (chỉ 2%). Việc này dẫn đến tình trạng trong năm 2017 Đồng Nai có gần 36 ngàn lượt lao động cả nam lẫn nữ nộp đơn đề nghị nhận bảo hiểm một lần cũng như để được hưởng lương hưu theo cách cũ. Còn khi thực hiện Nghị định 153/2018/NĐ-CP, việc điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ thì tùy vào thời gian đóng BHXH sẽ có tỷ lệ điều chỉnh khác nhau. Chẳng hạn, mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.
Cụ thể, nếu nghỉ hưu trong năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3% và thấp nhất là 1,08%; năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%; năm 2020, cao nhất 3,64%, thấp nhất 0,54%; năm 2021, cao nhất 1,82%, thấp nhất 0,27% tùy theo thời gian đóng BHXH.
Phương Uyên