Xa quê hương, ngày tết dường như không trọn vẹn với nhiều người. Dịp cuối năm, nhiều kiều bào ở nước ngoài nô nức về quê sum họp với người thân đón tết cổ truyền dân tộc.
Xa quê hương, ngày tết dường như không trọn vẹn với nhiều người. Dịp cuối năm, nhiều kiều bào ở nước ngoài nô nức về quê sum họp với người thân đón tết cổ truyền dân tộc.
Niềm vui của anh Phạm Minh Hiến và chị Đinh Thị Vân (người thứ ba và thứ tư từ trái sang - Việt kiều Mỹ) khi được ăn cơm với gia đình tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa). |
Thăm thân nhân, tìm kiếm cơ hội làm ăn cũng như mong muốn góp phần vào việc xây dựng quê hương, đó là khát vọng chung của kiều bào đang sống và làm việc ở nước ngoài.
* Niềm vui ngày trở lại...
Đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, được gặp lại người thân, bà Nguyễn Thị Tuyết (Việt kiều Mỹ, trước đây ở TX.Long Khánh) quên mệt mỏi sau gần 20 giờ ngồi máy bay. Định cư ở Mỹ đã hơn 10 năm, năm nào vợ chồng bà cũng thay nhau về thăm gia đình. “Mỗi khi tết đến, kiều bào chúng tôi rất nhớ không khí giao thừa quê hương; thèm sự ấm áp gia đình. Lần này về ăn tết ở TX.Long Khánh, tôi còn tổ chức cưới vợ cho con trai nên rất hạnh phúc dù họ nhà gái ở Mỹ” - bà Tuyết nói.
Theo Sở Ngoại vụ, những năm gần đây kiều bào trong tỉnh rất tích cực đầu tư tại địa phương, chủ yếu ở các lĩnh vực: dịch vụ (15%), nông nghiệp và thủy sản (13%), nhà hàng - khách sạn (12%), công nghiệp (11%), kinh doanh bất động sản (9%), thương nghiệp (7%), xây dựng (6%) và các hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin, y tế, tài chính - tín dụng (4%)... |
Được người nhà đón từ sân bay Tân Sơn Nhất về Biên Hòa, ông Nguyễn Ngọc Chương (Việt kiều Mỹ, ngày trước ở phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) sau hàng chục năm xa cách, bộc bạch: “27 năm định cư ở Mỹ, tôi luôn nghĩ về một Việt Nam vẫn còn nghèo khó với những khu phố cũ kỹ, đường sá chật chội... Nhưng khi về lại quê nhà, mới thấy quê hương đổi thay quá nhanh. Khắp nơi khu dân cư sầm uất, chung cư, nhà cao tầng, công trình công cộng, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học… xây dựng khang trang không thua kém nước ngoài. Về nơi ở cũ được 3 tuần, tôi không đủ thời gian đi các tỉnh, thành để thấy hết sự thay đổi của đất nước, song những gì tôi chứng kiến đã chứng minh: Việt Nam giờ đã khởi sắc, vươn lên thấy rõ”.
* Nỗi lòng kiều bào với quê hương
Theo gia đình định cư ở Úc gần 30 năm, tết này bà Đinh Thu Hà cùng chồng về phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) không chỉ thăm gia đình mà còn lên kế hoạch kết nối sinh viên trong nước có điều kiện đi du học Úc. Là giáo viên quản lý chất lượng đào tạo tại một trung tâm du học quốc tế ở TP.Melbourne (Úc) nên về Việt Nam lần này bà Hà tranh thủ làm việc với một số trường đại học, cao đẳng trong nước. Bà Hà tâm sự, vì nỗi nhớ quê luôn canh cánh trong lòng nên bà dành nhiều ưu ái cho du học sinh Việt Nam, đặc biệt là học sinh đến từ Đồng Nai. Vì vậy, bà tích cực hỗ trợ các em tìm học bổng để giảm chi phí học hành, kể cả chỗ ở hoặc việc làm thêm.
Trao đổi về tình hình kiều bào về quê làm kinh tế, ông Trần Cầu (ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cho biết gia đình ông định cư ở Mỹ hơn 10 năm. Khi còn ở Việt Nam, ông Cầu sở hữu trang trại trồng xoài rộng 22 hécta, nay ông quyết định quay về trồng giống xoài Úc chất lượng ngon, giá trị kinh tế cao. Sau 5 năm gầy dựng trang trại, vào mùa thu hoạch giá bán xoài tại vườn của ông Cầu có khi lên đến 100 ngàn đồng/kg, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Đồng Nai hiện có trên 32,6 ngàn kiều bào đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều nhất là TP.Biên Hòa với hơn 10 ngàn người. Thời gian qua, từ chính sách cởi mở của Việt Nam, đông đảo Việt kiều đã về nước và tham gia đầu tư phát triển kinh tế. Mới đây, trong chuyến khảo sát tình hình kiều bào trên địa bàn Đồng Nai, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài nhận định Việt Nam đang cần những kinh nghiệm về khoa học - kỹ thuật, kinh doanh sản xuất. Theo ông Bình, Việt kiều ở nước ngoài luôn hướng về quê hương xứ sở, nhiều người đã và sẽ tiếp tục trở về đóng góp sức lực, trí tuệ để góp phần phát triển đất nước.
Chia sẻ niềm vui về đón tết trong tình cảm ấm áp của gia đình, nhiều kiều bào tâm sự dù đi đâu, ở đâu, làm gì thì tình yêu đối với quê hương luôn nhắc nhở những người con xa quê hướng về cội nguồn của dân tộc.
Bà Trần Thị Phương Mai (Việt kiều Canada, trước đây ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa): Tôi luôn nhớ về quê hương và nhắc nhở các con: mình là người việt Nam! Hơn 30 năm định cư ở nước ngoài, lúc nào trong thâm tâm tôi cũng nghĩ về quê hương mình. Những khi dạy các con nói tiếng Việt, tôi luôn nhắc nhở con hãy nhớ mình là người Việt Nam nên mai này dù có đi đâu, làm gì cũng phải giữ gìn những nét truyền thống, lễ nghi của dân tộc Việt Nam như: đi thưa về trình, trước khi ăn cơm phải mời người lớn... Ngoài ra, tôi thường nấu cho gia đình những món ăn dân dã quê hương và giữ được tình cảm gắn bó sâu đậm giữa các thành viên trong gia đình. Năm nay, tôi đưa các con về Việt Nam đón tết để các cháu có thêm những trải nghiệm về nơi ông bà, cha mẹ từng được sinh ra và lớn lên để các con tôi không quên gốc gác của mình. Bà Đỗ Thị Phương Liên (Việt kiều Úc, trước đây ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom): Mỗi lần về lại quê hương thấy Việt Nam phát triển hơn Tôi còn mẹ già ở huyện Trảng Bom nên cứ 2-3 năm tôi lại về Việt Nam thăm cụ. Mỗi lần về lại thấy Việt Nam phát triển hơn, hiện đại và đầy đủ tiện nghi hơn. Đáng kể là đường phố ở các địa phương bây giờ rất khang trang, nhà cửa cao tầng nhiều lắm; hàng quán kinh doanh phát triển mạnh, muốn ăn gì cũng có. Tôi đặc biệt thích đón tết ở Việt Nam vì sự ấm áp lạ thường, không khí những ngày xuân ở quê nhà thực sự níu kéo những Việt kiều xa quê. Tết đến tôi đều đi chợ hoa xuân, thích thức cả đêm để nấu bánh chưng; rất xúc động cảnh mọi người kéo nhau đến từng nhà để chúc mừng năm mới mà ở nước ngoài dù nhớ muốn khóc cũng không thể có được… |
Phương Liễu