Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt sát hạch lái xe ô tô

11:05, 29/05/2018

Thời gian gần đây, nhu cầu học lái xe ô tô trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, việc học lý thuyết và các kỹ năng điều khiển xe chỉ là bước một, còn vượt qua được kỳ thi sát hạch lại là chuyện khác…

Thời gian gần đây, nhu cầu học lái xe ô tô trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, việc học lý thuyết và các kỹ năng điều khiển xe chỉ là bước một, còn vượt qua được kỳ thi sát hạch lại là chuyện khác…

Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tỉnh. Ảnh: M.QUÂN
Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tỉnh. Ảnh: M.QUÂN

Theo quy định, thời gian đào tạo đối với từng hạng xe như: B2 dành cho người lái xe dưới 9 chỗ ngồi hoặc lái xe ô tô chuyên dùng; xe tải có trọng tải dưới 3,5 tấn phải được học đủ 588 giờ, trong đó thực hành 420 giờ, lý thuyết 168 giờ…

* Không thể học lơ mơ

Những quy định trên là bắt buộc, song không ít học viên đã không đáp ứng đủ thời gian tìm hiểu lý thuyết cũng như thực hành. Từ đó dẫn đến chỗ có khá nhiều trường hợp phải thi sát hạch lần 2, thậm chí lần 3 mới đạt yêu cầu; chỉ rất ít người gặp may mới vượt qua được kỳ thi này. 

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2018, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong thời gian tới phải tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấp phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và những quy định liên quan khác. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5-10%.

Chị Lê Kiều T. (ngụ xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) được cấp bằng lái xe ô tô hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa một lần cầm vô lăng để điều khiển chiếc xe của gia đình. Mỗi khi có việc cần, chị T. vẫn phải kêu taxi hoặc chờ chồng lái xe đưa đi.

Chị T. cho biết do không có nhiều thời gian nên quá trình học lý thuyết và thực hành để thi lấy bằng lái xe chị phải tranh thủ “dợt” cho quen địa hình. Riêng phần lý thuyết, chị T. nhờ các thầy chỉ mấy “mẹo” cho dễ nhớ, dễ thuộc. Vì vậy, tới ngày thi sát hạch chị T. may mắn vượt qua mặc dù không mấy tự tin về khả năng điều khiển xe của mình.

Theo chị T., học là một chuyện, còn điều khiển xe nhuần nhuyễn là cả quá trình tập dượt thuần thục, nhất là kỹ năng xử lý tình huống trên đường đòi hỏi người lái phải có kinh nghiệm. Do đó, người tay lái yếu ít dám chạy xe ô tô là điều dễ hiểu.

Thực tế, số người “gặp may” như chị T. chỉ là cá biệt. Bởi trong những năm qua quy trình sát hạch lái xe được thực hiện nghiêm ngặt nên thí sinh học “lơ mơ” rất dễ trượt. Chẳng hạn anh Nguyễn Anh T. (nhà ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã phải bỏ giấc mơ hành nghề tài xế sau khi thi lại đến lần 3 vẫn… rớt.

Anh T. đăng ký học lái xe tại một cơ sở tư nhân. Quá trình học tại đây, do lười học lý thuyết và thiếu kiên nhẫn chờ đợi tới lượt thực hành nên anh T. hay vắng mặt tại các buổi học. Đến ngày sát hạch, ngay phần thi lý thuyết anh T. đã rớt nên phải đóng lệ phí thi lại. Đến lúc thi thực hành, anh cũng sớm phải rời xe vì không qua khỏi cung đường địa hình, phải đóng tiền thi lại lần 2, rồi lần 3 và cuối cùng đành bỏ cuộc.

Anh T. tâm sự không phải riêng anh bị rớt sát hạch, nhiều người học cùng khóa cũng phải thi lại mấy lần mới được cấp bằng.

* Thi sát hạch ngày càng khó

Trao đổi về quy trình thi sát hạch lái xe ô tô, ông NguyễnT.D., một cán bộ lâu năm ở Trung tâm sát hạch lái xe (Trường trung cấp nghề giao thông vận tải Đồng Nai thuộc Sở Giao thông - vận tải), cho biết những năm qua công tác sát hạch được thực hiện độc lập và bằng thiết bị hiện đại nên không thể “xin xỏ”. Ví dụ, phần thi lý thuyết được giám sát chặt chẽ từ cơ quan chuyên trách và có camera ghi hình thí sinh; quá trình thi thực hành, thí sinh cũng được camera quay lại những thao tác trong suốt quá trình thực hiện quãng đường thi. Hơn nữa, chấm điểm sát hạch lái xe ô tô bằng cảm ứng trên đường rất chính xác. Chính vì vậy, chỉ cần những lỗi bị điểm trừ có tổng cộng trên 20 điểm (80 điểm là đạt) khi thi thực hành là thí sinh bị loại. 

Ông D. cho rằng thực ra thí sinh có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi sát hạch nếu học đầy đủ thời gian như quy định. Đáng tiếc là nhiều người đã xem nhẹ việc học nên chểnh mảng dẫn đến những trường hợp phải thi lại rất tốn kém tiền bạc và mất thời gian. Lệ phí thi sát hạch lại do các cơ sở đào tạo lái xe đặt ra, từ 300-500 ngàn đồng/lượt thi thực hành.

Theo ông D., vấn đề siết chặt công tác quản lý đào tạo và sát hạch lái xe các loại là chủ trương đúng đắn. Chẳng hạn, nhiều năm trước bài thi lý thuyết sát hạch lái xe ô tô chỉ có 100 câu hỏi, nhưng hiện tại đã tăng lên 450 câu và sắp tới sẽ là 500 câu hỏi đặt ra những tình huống có thể xảy ra trên đường đi. Nêu lên điều này để thấy rằng siết chặt việc đào tạo và sát hạch lái xe là rất cần thiết, để từ đây mỗi một thí sinh sau khi nhận bằng lái xe có thể đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người và bản thân mình khi điều khiển phương tiện trên đường.

Nói về công tác đào tạo lái xe ở Đồng Nai thời gian qua, Phó trưởng phòng Quản lý người lái (Sở Giao thông - vận tải) Bùi Văn Tuấn cho biết toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở được phép đào tạo lái xe và 3 trung tâm sát hạch. Lâu nay, sở quản lý các đơn vị này ở góc độ nhà nước như: kế hoạch đào tạo giấy phép lái xe, kế hoạch tổ chức thi sát hạch lái xe. Các cơ sở tư nhân khi tuyển sinh lái xe phải chấp hành thu và sử dụng học phí đào tạo lái xe theo quy định của pháp luật. Để công tác giảng dạy, đào tạo lái xe tư nhân đảm bảo chất lượng, thời gian tới sở sẽ có kế hoạch kiểm tra chặt chẽ hơn.

Minh Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích