Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị tù.
Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị tù.
Người lao động đến tư vấn tại Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn. Ảnh: P.UYÊN |
Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, đồng thời là hành lang pháp lý để cơ quan bảo hiểm xã hội làm tốt hơn trách nhiệm thực hiện các chính sách đối với NLĐ.
* Người lao động lao đao…
Mỗi ngày Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) tiếp nhận nhiều trường hợp NLĐ đến tư vấn hay khiếu nại chủ doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT).
Nhận định về tình trạng chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH cho công nhân, luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết mặc dù nhiều trường hợp NLĐ bị thiệt thòi quyền lợi đã kiện và thắng chủ doanh nghiệp, song việc kiện cáo cũng không hề dễ dàng. Đã đến lúc cần chế tài đủ mạnh để xử lý những chủ doanh nghiệp chây ì, nợ đọng hay chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ thì mới bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ. |
Nhiều người cho biết hàng tháng vẫn bị trừ tiền BHXH, nhưng do doanh nghiệp chiếm dụng nên chậm đóng về cơ quan BHXH. Tình trạng này đã gây khó khăn cho NLĐ khi nghỉ việc, nghỉ chế độ thai sản, ốm đau nhưng không được thanh toán bảo hiểm.
Anh T.V.T., công nhân Công ty cổ phần Lilama 45-1, cho biết anh xin nghỉ việc nhưng công ty nợ tiền bảo hiểm hơn 29 tỷ đồng nên anh không chốt được sổ để nhận BHXH, BHTN. “Hàng tháng công ty đều trừ lương của tôi, nhưng lại trốn tránh nghĩa vụ. NLĐ đã làm đúng trách nhiệm của mình là hàng tháng đóng BHXH đầy đủ song quyền lợi lại không được bảo vệ” - anh T. nói.
Anh T. chỉ là một trong số nhiều NLĐ lâm vào hoàn cảnh này. Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), mỗi tháng trung tâm tiếp nhận vài trăm trường hợp NLĐ đến nhờ tư vấn kiện chủ doanh nghiệp vi phạm chính sách BHXH. Trong đó, nhiều lao động làm ở những công ty đã phá sản, nay đi làm nơi khác nhưng vẫn chưa chốt được sổ vì doanh nghiệp cũ còn nợ BHXH. Không ít trường hợp dù rất khó khăn nhưng phải chấp nhận bỏ lương, bỏ quyền lợi về BHXH để đi làm việc nơi khác.
* Không còn cơ hội chây ì
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiện có 454 doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHTN, BHYT trên 6 tháng với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp là “con nợ” lớn như: Công ty cổ phần Lilama 45-1 nợ 29,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vietbo 22,3 tỷ đồng, Công ty TNHH KL Texwell Vina 18 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lilama 45-4 nợ 11,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Kumsung Vina 11,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Jooco Dona 8,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần cơ giới và xây lắp 9 là 4,1 tỷ đồng…
Theo quy định mới, những chủ doanh nghiệp trên sẽ không còn cơ hội chây ì, bởi nếu trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ sẽ bị quy thành tội hình sự. Ông Nguyễn Thành Nam, giám đốc một công ty may mặc tư nhân (cơ sở ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi ủng hộ việc xử lý hình sự những chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ. Hàng tháng doanh nghiệp vẫn khấu trừ lương của công nhân, số tiền ấy đi đâu? Nếu xử lý không mạnh tay, doanh nghiệp vẫn lạm dụng tiền BHXH của NLĐ, trong khi công nhân bị thiệt thòi. Phải phạt tù và phạt tiền thật nặng mới khiến chủ doanh nghiệp làm đúng trách nhiệm pháp luật quy định”.
Nói về tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành cho biết thực trạng này kéo dài lâu nay, gây khó khăn cho công tác chốt sổ BHXH và giải quyết các chế độ chính sách cho NLĐ. Trong năm 2017, cơ quan BHXH đã tổ chức phổ biến quy định mới đến các doanh nghiệp trong quy trình 3 bước (đôn đốc, nhắc nhở; kiểm tra, xử phạt hành chính; lập hồ sơ chuyển sang công an xử lý) thì ban đầu chỉ nhắc nhở là chính. Nếu doanh nghiệp cố tình chây ì, ảnh hưởng đến NLĐ thì lúc đó sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xử lý theo luật định.
Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, những người trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ từ 6 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng, nhiều nhất là 3 tỷ đồng. Tùy theo mức độ, người trốn đóng bảo hiểm sẽ bị phạt tù từ 1-7 năm và cấm hành nghề đến 5 năm. |
Phương Uyên