Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi bộ không đúng phần đường có thể bị tù

07:01, 23/01/2018

Lâu nay, tình trạng người đi bộ không đi đúng phần đường diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người đi bộ không chấp hành luật…

Lâu nay, tình trạng người đi bộ không đi đúng phần đường diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người đi bộ không chấp hành luật…

Khách bộ hành đi không đúng phần đường dành cho người đi bộ trên đường Đồng Khởi, đoạn trước Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Khách bộ hành đi không đúng phần đường dành cho người đi bộ trên đường Đồng Khởi, đoạn trước Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Những sai phạm thường thấy của người đi bộ như: bất ngờ sang đường, đi không đúng làn đường có kẻ sọc trắng dành cho người đi bộ, thiếu quan sát khi tham gia giao thông… Từ ngày 1-1-2018 người đi bộ nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù.

* Thản nhiên vi phạm

Khảo sát tại một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa những ngày đầu năm 2018, chúng tôi thấy việc đi lại “phá” luật lệ dường như đã trở thành thói quen của nhiều người đi bộ. Khi được hỏi vì sao không đi trên phần đường dành cho mình, một bác lớn tuổi vừa mới leo qua dải phân cách trên đường Đồng Khởi để vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thản nhiên nói: “Thấy tiện thì tôi đi. Ai cũng đi tắt như tôi, có sao đâu”. Trong khi cách đó chỉ vài chục mét có vạch kẻ dành cho người đi bộ sang đường an toàn nhưng không ai đi.

Theo thống kê của Công an tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm (2010-2015) lỗi do người đi bộ chiếm 10% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Trong lĩnh vực đường sắt, khách bộ hành đi lại hay nằm, ngồi, chơi đùa trên đường sắt chiếm 57,5% số vụ (hầu hết đều tử vong). Trong 2 năm 2016 và 2017 tỷ lệ lỗi do người đi bộ gây tai nạn tuy có giảm nhưng còn chiếm 5% số vụ tai nạn giao thông đường bộ và 46,6% số vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa), đoạn có cầu đường bộ cho người sang đường, nhưng mỗi khi tan ca nhiều công nhân vẫn leo qua dải phân cách, bất chấp nguy hiểm của bản thân ngay trước dòng xe cộ. Một số người đi bộ sang đường không đúng luật ở khu vực này khi được hỏi tỏ ra ngạc nhiên và vô tư trả lời không biết quy định người đi bộ góp phần gây tai nạn giao thông có thể bị tù.

Không ít khách bộ hành còn phân trần nguyên nhân đi sai luật là do hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Ông Đỗ Văn Hiếu (ngụ KP.2, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Hiện nay đường Võ Thị Sáu, Trương Định, Phan Trung, Phạm Văn Thuận hiện không còn nhiều chỗ cho người đi bộ vì vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán. Nhiều người buộc phải đi bộ dưới lòng đường rất nguy hiểm. Gặp trường hợp này mà xảy ra tai nạn rồi quy kết cho người đi bộ thì rất oan”.

* Trả lại vỉa hè cho người đi bộ

Việc áp dụng mức phạt dành cho người đi bộ vi phạm giao thông tăng lên được nhiều người đồng tình, song cũng có nhiều ý kiến băn khoăn bởi kết cấu hạ tầng ở các đô thị trong tỉnh, nhất là Biên Hòa, hiện chưa đảm bảo.

Khách bộ hành trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) buộc phải đi dưới lòng đường vì vỉa hè bị chiếm dụng.
Khách bộ hành trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) buộc phải đi dưới lòng đường vì vỉa hè bị chiếm dụng.

Nói về vấn đề này, ông Ngô Thanh Sang, ngụ KP.2 (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho rằng lâu nay khi có va chạm giao thông xảy ra, hầu hết mọi người thường quan niệm xe lớn phải đền bù cho xe nhỏ; hoặc người đi xe phải bồi thường cho người đi bộ. “Trong thực tế, rất ít trường hợp người đi bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông bị xử lý, nói gì đến bồi thường cho người khác. Tôi nghĩ rằng, để luật pháp đi vào cuộc sống trước hết người tham gia giao thông phải hiểu luật thì mới chấp hành tốt. Bởi người đi bộ mà không nắm luật, chắc chắn sẽ tiếp tục vi phạm, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Ngoài tuyên truyền pháp luật, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra hệ thống biển báo giao thông, vạch kẻ đường, cầu vượt dành cho người đi bộ… để đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông” - ông Sang nói.

Tương tự, ông Bách Văn Cảnh (ở KP.3, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) bức xúc khi nhắc lại tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh. “Thiết nghĩ, trước tiên hãy trả lại vỉa hè cho người đi bộ thì mới có thể “xử” được khi họ vi phạm”. Theo ông Cảnh, ngoài việc xử phạt người đi bộ cũng nên có quy định xử lý người điều khiển phương tiện không nhường đường cho người đi bộ tại các vạch kẻ dành cho khách bộ hành; hoặc tình trạng đậu xe bừa bãi trên vỉa hè như lâu nay.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 quy định: người tham gia giao thông (gồm cả người đi bộ) vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử lý hình sự như sau: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể ở mức 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7-15 năm: làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201%; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng…

 

Kim Liễu

Tin xem nhiều