Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao phải thay cây xanh ở khu dân cư Võ Thị Sáu?

07:12, 09/12/2017

Báo Đồng Nai , ra ngày 14-11-2017 có bài viết: Cây đang xanh tốt bị chặt hạ, phản ảnh tại đường D8 (thuộc khu dân cư Võ Thị Sáu, KP.7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) có 3 cây viết đang xanh tốt bị chặt hạ...

Báo Đồng Nai, ra ngày 14-11-2017 có bài viết Cây đang xanh tốt bị chặt hạ, phản ảnh tại đường D8 (thuộc khu dân cư Võ Thị Sáu, KP.7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) có 3 cây viết đang xanh tốt được UBND TP.Biên Hòa cho phép chặt hạ.

Sau khi báo phát hành, nhiều người phản đối hành vi này khiến UBND TP.Biên Hòa cho dừng chủ trương thay thế cây viết bằng cây lộc vừng như đã dự định trước đây.

2 hàng cây viết trồng trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa) hiện vẫn phát triển xanh tốt.
2 hàng cây viết trồng trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa) hiện vẫn phát triển xanh tốt.

Vấn đề này chắc hẳn sẽ rơi vào quên lãng theo thời gian, nếu như không “lộ” ra văn bản số 2820/PQLĐT-GT của Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố cho thay thế cây viết ở khu dân cư Võ Thị Sáu bằng những loại cây khác.

* 20 năm vẫn sống khỏe

Ở TP.Biên Hòa, không chỉ có khu dân cư Võ Thị Sáu mới trồng cây viết mà một số tuyến đường khác cũng trồng loại cây này từ lâu. Điển hình là đường 5 cũ (nay là đường Phan Trung) với 2 hàng cây 2 bên đường xanh ngát được trồng từ vài chục năm trước.

Một số cây khác được người dân ở khu dân cư Võ Thị Sáu trồng thay thế cây viết được cho là phát triển chậm, thậm chí èo uột.
Một số cây khác được người dân ở khu dân cư Võ Thị Sáu trồng thay thế cây viết được cho là phát triển chậm, thậm chí èo uột.

Tại tuyến đường trên, nhiều gia đình nhà mặt tiền đã “thừa hưởng” sự mát mẻ, trong lành do hàng cây viết mang lại. Ông Phạm Viết Thịnh (ngụ KP.2, phường Tân Mai), người sống lâu năm ở đường Phan Trung, cho biết khi con đường này mới hình thành cây viết được trồng trên vỉa hè còn nhỏ. Đến nay đã hơn 20 năm nhưng những cây trồng ở đây đều phát triển khỏe mạnh, có cây đường kính gốc đạt đến 50cm.

“Ngay trước nhà tôi có cây viết to, chẳng thấy sâu bệnh gì. Từ ngày có cây viết trên vỉa hè đã tạo bóng mát giúp người dân thuận lợi hơn trong việc kinh doanh, buôn bán; người đi đường có thể nghỉ chân dưới gốc cây xanh khi trời nắng nóng. Tôi hay đi đây đó nên thấy nhiều thành phố cũng trồng cây viết, cho thấy loại cây này thích nghi, phù hợp khi trồng ở đô thị” - ông Thịnh bộc bạch.

Cùng nhận định như ông Thịnh, ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ quán cà phê trên đường Phan Trung, cho rằng nhờ có bóng mát từ cây viết nên việc kinh doanh của gia đình ông khá thuận lợi. Khách đến uống nước giải khát thích ngồi ở dưới gốc cây hơn trong nhà vì không gian mát mẻ.

“Đọc thông tin trên mạng, tôi mới biết cây viết thích nghi với cảnh quan đô thị. Bản thân tôi thấy cây viết ở đường Phan Trung hữu dụng hơn một vài loài cây khác hay rụng bông, rụng lá như: bàng, phượng vĩ” - ông Dũng nói. 

Ngoài ra, tại các địa phương khác trong tỉnh, như: thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú), thị trấn Định Quán (huyện Định Quán), thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom)… đều trồng cây viết từ hàng chục năm trước đến nay vẫn phát triển xanh tốt, cành lá xum xuê. Nêu lên điều này để thấy rằng, từ lâu các địa phương đã “tâm đắc” với cây viết nên mới ồ ạt trồng để tạo mảng xanh, bóng mát. Chỉ riêng TP.Biên Hòa lại muốn thay thế loại cây này là vấn đề khác thường nên người dân thắc mắc.

* Cây viết có tuổi thọ… thấp?

Trong khi 2 hàng cây viết trên đường Phan Trung hoặc các thị trấn khác vẫn sống khỏe, thì tại văn bản 2820/PQLĐT-GT của Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa lại tuyên bố ngược lại: cây viết là loài có tuổi thọ ngắn, chỉ khoảng 15 năm; cây thường bị sâu đục thân, một phần vỏ cây bong tróc, mục lõi… làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và có khả năng ngã đổ gây nguy hiểm cho nhân dân trong mùa mưa bão.

Cây viết được trồng trên đường song hành quốc lộ 20, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú.
Cây viết được trồng trên đường song hành quốc lộ 20, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú.

Văn bản này còn nêu rõ: cây viết tại khu dân cư Võ Thị Sáu thuộc dự án cây xanh được trồng từ khi triển khai dự án, đến năm 2014 bàn giao cho TP.Biên Hòa quản lý. Từ đó đến nay nhiều cây đã bị sâu bệnh, khô cành, rụng lá và chết, không đảm bảo mỹ quan đô thị nên người dân đã tự thay thế bằng các cây khác, như: lộc vừng, kèn hồng, tha la, móng bò, sấu… dẫn đến chỗ trên cùng một tuyến đường nhưng có nhiều chủng loại cây xanh khác nhau…

Từ những lý do nghe rất “hợp lý” như đã nêu, Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa đã đề xuất lãnh đạo thành phố cho thay cây xanh ở khu dân cư Võ Thị Sáu. Sau đó, UBND TP.Biên Hòa đã thống nhất chủ trương trồng thay thế chủng loại cây xanh (cây viết) đến tuổi già yếu ở khu vực trên tại văn bản số 1654/UBND-XDCB ký ngày 15-2-2017.

Nói cách khác, việc cố tình “tống khứ” cây viết vì cho rằng tuổi thọ thấp là điều khó hiểu khiến người dân không đồng tình. Đơn cử, khi 3 cây viết xanh tốt được lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho phép chặt hạ, ngay lập tức bị dư luận phản đối; nhiều người đánh giá chủ trương thay toàn bộ cây viết ở khu dân cư  Võ Thị Sáu là thiếu căn cứ, thậm chí là có chủ đích riêng chứ không phải lợi ích chung. Mặt khác, phần đông những người ngụ trong khu dân cư Võ Thị Sáu cho rằng cây viết trồng trên vỉa hè lâu nay phù hợp với môi sinh nên phát triển đẹp, tàn lá rộng, góp phần giúp cho môi trường trong sạch.

Cây viết được trồng trên đường song hành quốc lộ 1, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom
Cây viết được trồng trên đường song hành quốc lộ 1, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom

Trong khi đó, nói về cây viết bị “yểu mệnh” như Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa khẳng định, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng khá ngạc nhiên khi nghe điều này. Theo ông Dũng, cây viết là một trong những loại trồng ở đường phố rất đẹp vì cây xanh quanh năm, lá dày nhưng ít rụng, tán lá rộng, ít gãy đổ, dễ cắt tỉa và có thể sống hàng trăm năm.

Đánh giá về góc độ cảnh quan đô thị, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng khẳng định cây viết thuộc loài bản địa Việt Nam, dễ tìm kiếm, phát triển nhanh nên trồng ở vỉa hè đẹp hơn một số cây khác, kể cả cây lộc vừng. Nhất là thời điểm cây lộc vừng ra hoa rồi rụng xuống đường thì không được sạch sẽ. Đặc biệt, vào thời tiết khô hạn cây lộc vừng nếu không đủ nước sẽ bị rụng lá xơ xác trông rất xấu. Hơn nữa, cây viết dễ thích nghi với môi trường, môi sinh và có thể cắt tỉa cành lá thoải mái, dễ tạo dáng cho phù hợp với không gian. Riêng cây bị sâu bệnh, không chỉ cây viết mà tất cả loại cây đều có, đó là chuyện thường tình.      

Ngọc Liên 

Tạ Nguyên - Minh Quân

Tin xem nhiều