Báo Đồng Nai điện tử
En

"Săn" thực phẩm vườn nhà

10:12, 25/12/2016

Sợ thịt heo, cá bị nhiễm chất tăng trưởng, rau củ quả chứa thuốc bảo vệ thực vật…, nhiều người đã chọn giải pháp tìm mua những loại thực phẩm mà người bán nuôi, trồng từ vườn nhà.

Sợ thịt heo, cá bị nhiễm chất tăng trưởng, rau củ quả chứa thuốc bảo vệ thực vật…, nhiều người đã chọn giải pháp tìm mua những loại thực phẩm mà người bán nuôi, trồng từ vườn nhà.

Hàng quê của bà Trần Thị Phi ở chợ Biên Hòa luôn đông khách đến mua. Ảnh: P.Liễu
Hàng quê của bà Trần Thị Phi ở chợ Biên Hòa luôn đông khách đến mua. Ảnh: P.Liễu

Đến khu vực các chợ hoặc trên những con phố, không khó để nhận thấy một số người bán thực phẩm “cây nhà lá vườn” bày ra mớ cá, mớ tôm, 1-2 con gà, vài nải chuối, ít quả ổi, hay mớ rau dền, rau lang. Điều đáng nói, hầu hết những thực phẩm vườn nhà thường xấu mã, như: quả nhỏ, màu sắc không bóng đẹp, bị sâu đục rỗ… nhưng giá bán lại cao hơn khá nhiều so với ở sạp chợ.

Xấu mã, bán chạy…

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Bằng cảm quan thì tạm có thể phân biệt được thực phẩm hàng quê, vườn nhà với các loại nuôi trồng công nghiệp, như: quả nhỏ, xấu mã, bán mỗi thứ một ít… Nhưng chưa có cơ sở nào để khẳng định những loại thực phẩm vườn nhà đó thực sự an toàn nếu người mua không biết nguồn gốc của sản phẩm. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm còn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh như hiện nay thì việc tìm và chọn lựa những thực phẩm vườn nhà, hàng quê được cho là sạch cũng là một xu hướng của người tiêu dùng, là cách làm cho bữa ăn của gia đình yên tâm hơn.

Đã 8 tháng nay, bà Trần Thị Hai (ở làng Bến Cá, ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) ngồi trên lề đường Phan Đình Phùng (đoạn qua phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bán mấy thứ trái cây, rau, trứng gà từ vườn nhà. Dù chỉ có vài nải chuối, quả gấc, bó lá nha đam, ít củ khoai, có khi vài con gà và mấy chục trứng… nhưng hôm nào bà cũng bán hết hàng khá sớm bởi được nhiều người đặt hàng trước. Hầu hết các loại thực phẩm trên đều do bà cụ 80 tuổi này nuôi trồng tại vườn nhà. Bà Hai bộc bạch: “Đất nhà rộng nên tôi trồng cây nọ, cây kia, thả ra đàn gà… Chúng cứ vậy lớn lên, cũng chẳng phải chăm bón gì nhiều. Loại nào đến lúc thu hái được thì mang đi bán. Tôi không dùng bất kỳ thứ thuốc hay hóa chất gì cả nên nhìn bề ngoài chúng không đẹp, không đều quả, thậm chí quả đèo đẹt, rau có sâu, có ngắn nhưng là thứ mọc tự nhiên nên rất an toàn”.

Điểm bán sản phẩm vườn nhà trồng của bà Trần Thị Phi (ở Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tại khu vực chợ Biên Hòa lúc nào cũng khá đông người vì hàng hóa phong phú từ chuối, đu đủ, vú sữa, ổi đến rau dền, rau lang… Bà Phi cho biết: “Cứ chiều hôm trước, tôi đạp xe lọc cọc đến các vườn nhà trong xóm, trong ấp hoặc xa hơn, ai bán gì tôi mua nấy, có khi là quả mít nhỏ, mấy quả đu đủ, vài chục trứng gà… về tập hợp lại, hôm sau chở lên chợ bán. Vì là hàng sạch, nhiều người ghé mua nên chẳng hôm nào ế hàng”.

Bà Trần Thị Hai bán hàng vườn nhà trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu
Bà Trần Thị Hai bán hàng vườn nhà trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Liễu

Ngoài rau củ quả, hàng quê đôi khi là còn là mớ cá, mớ tôm “tổng hợp” từ những người đi câu, đi lưới. Cứ vài ngày, chị Võ Thị Xuân (ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) lại đem mớ cá đủ loại nào là cá bống, cá lóc, cá rô, cá sặt… mà chồng chị câu được đem bán cho mấy người hàng xóm gần nhà, không bán theo ký mà bán cả mớ. Có hôm chồng chị câu được cả con cá mè, cá trắm to đến vài ký thì chị xẻ khoanh chia ra bán. Đã quen ăn cá đồng, cá sông của chị, những hôm chồng chị Xuân không câu được, có người nhịn ăn cá chờ hàng sạch.

Tâm lý chuộng hàng vườn nhà

Lo ngại thực phẩm bẩn gây nguy hại cho sức khỏe người thân, chị Đặng Thị Lan (ở phường Tân Phong) lâu nay là khách hàng mối của một người bán rau vườn nhà. Chị nói: “Mỗi lần bà bán hàng đem đến mấy thứ rau, tôi cứ mua để dành ăn dần trong một vài ngày. Rau nhà quê tuy xấu mã nhưng luộc xanh mướt, ăn ngọt chứ không nhạt thếch như loại rau mua ở chợ”.

Tuy nhiên, rau củ quả, mớ cá tôm, vài con gà thả vườn thì dễ kiếm, nhưng tìm miếng thịt heo sạch thì hơi khó. Chị Phan Thị Vân (ở phường Bình Đa) cho hay nhà chị có người quen ở huyện Vĩnh Cửu chuyên nuôi heo mọi thả vườn nên lâu lâu mấy nhà cùng xúm lại mua một con chia nhau, tính ra giá tới 180-200 ngàn đồng/kg (gồm cả xương và lòng). Chị Vân nói: “Đúng là heo không dùng thuốc tăng trọng, lại thả vườn nên miếng thịt ít mỡ, ăn thấy thơm và có vị ngọt của thịt. Thú thực, bây giờ mua thịt ở chợ tôi rất ngại vì sợ mua phải loại có chất tạo nạc hay thuốc tăng trọng”.

Theo nhiều bà nội trợ, để bữa cơm gia đình an toàn, hàng ngày phải “săn” tìm hàng vườn nhà cũng khá mất công, lại phụ thuộc vào người bán có gì mình mua thứ nấy chứ không chọn lựa đa dạng, phong phú như ở các sạp chợ. Nhưng dù vậy, để bữa cơm gia đình được yên tâm và ngon miệng, có vất vả và chịu giá cao một chút cũng không phải là điều đáng ngại.

Vì là sản phẩm vườn nhà, được nhiều người cho là hàng sạch nên chuộng mua với giá cao hơn so với những loại thực phẩm bán trong sạp chợ. Trứng gà ta vườn nhà đến 40 ngàn đồng/chục, cao hơn cùng loại trong sạp chợ tới 10 ngàn đồng; gà ta thả vườn giá 140 ngàn đồng/kg, trong khi chợ chỉ bán 110 ngàn đồng/kg; cá bống, cá sặt 200 ngàn đồng/kg, cao hơn từ 20-30 ngàn đồng/kg; hay các loại rau dền, rau lang, rau ngót cũng mắc hơn 5-7 ngàn đồng/kg.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều