Dưới tác động từ nhiều phía, học sinh - sinh viên(HS-SV) đang phải đối mặt với những thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, những khúc mắc trong gia đình, rắc rối về quan hệ với thầy cô, bạn bè…
Dưới tác động từ nhiều phía, học sinh - sinh viên(HS-SV) đang phải đối mặt với những thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, những khúc mắc trong gia đình, rắc rối về quan hệ với thầy cô, bạn bè…
Một buổi tập huấn công tác tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm khối THCS do Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai tổ chức. Ảnh: P.Liễu |
Do đó, nếu không được tư vấn, điều chỉnh kịp thời, nhiều trường hợp dễ phát sinh những hệ lụy: nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm... Mặc dù ngành giáo dục thời gian qua coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, nhưng công tác tư vấn tâm lý học đường tại các trường học vẫn còn là khoảng trống.
* Trẻ dễ bị bị rối loạn tâm lý
Tại một hội thảo do Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai mới đây, nhiều nhà tâm lý bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng gia tăng tỷ lệ HS-SV bị rối loạn tâm lý, đồng thời mong muốn Bộ GD-ĐT tiến hành tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý trong các trường học nhằm giúp định hướng tư tưởng cho các em, kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tiến hành khảo sát tâm lý HS-SV tại một số trường ở Hà Nội. Kết quả, có đến 93,57% HS-SV có những vướng mắc tâm lý trong đời sống và học tập. Tỷ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và bậc đại học là 85,92%. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ cao hơn bậc đại học. Có 82,3% số học sinh mong muốn nhà trường có phòng tư vấn tâm lý riêng để các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. |
Em T.T., học sinh lớp 8 của một trường THCS ở Biên Hòa, tâm sự: “Em bị chứng béo phì nên luôn trở thành đề tài đàm tiếu của bạn bè. Ở trường em không có bạn, về nhà toàn bị mẹ mắng “chỉ biết ăn”… Em buồn và khinh ghét bản thân lắm. Không biết tâm sự với ai, em chỉ biết lang thang trên mạng, có khi gặp những bạn ở hoàn cảnh tương tự liền tâm sự và rủ nhau đi… chết. Em sợ lắm, nhưng cũng có lúc em đã nghĩ đến nó”.
Qua trao đổi, nhiều giáo viên và phụ huynh cũng cảm thấy lo lắng về giới trẻ hiện nay. Một giáo viên lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Học sinh thời nay có đời sống tâm lý phức tạp và hành xử khó hiểu. Tôi muốn giúp các em nhưng công tác chủ nhiệm, giảng dạy quá bận rộn nên không có nhiều thời gian dành cho học sinh của mình. Nếu trường có chuyên viên tâm lý được đào tạo bài bản và phòng tư vấn kín đáo, tôi nghĩ các em có thể đến và mở lòng chia sẻ những rắc rối của mình. Song lâu nay người Việt Nam chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất, chứ ít nghĩ đến sức khỏe tâm thần”.
Cùng tâm trạng, ông Võ Tấn Kha, có con học ở Trường THCS Lê Lợi (TP.Biên Hòa), cho biết: “Đời sống tâm lý, tình cảm của tuổi trẻ bây giờ rất phức tạp. Nhiều em sống thực dụng, sống không có mục đích, thích hành động theo ý mình… Tôi nghĩ nhà trường cần có thêm những hoạt động giáo dục kỹ năng sống; giáo viên nên sâu sát với học sinh để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em. Qua đó kịp thời giúp HS-SV bỏ mặc cảm, chủ động chia sẻ kịp thời những khúc mắc, tránh được tình trạng áp lực chồng áp lực của các em có thể dẫn đến những hành động nông nổi”.
* Bỏ ngỏ đến bao giờ?
Công tác tư vấn tâm lý học đường lâu nay vẫn được xem là cần thiết và quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đây là một khó khăn lớn đối với nhiều trường.
Cô Đỗ Thị Cao Sang, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh là điều nhà trường hướng tới. Song, hiện nay phòng ốc thiếu thốn, thuê chuyên gia thì không có tiền, giao cho giáo viên chủ nhiệm thì vừa quá tải lại vừa thiếu chuyên môn. Trường mới chỉ tổ chức được hoạt động mời bác sĩ tư vấn về sức khỏe sinh sản cho học sinh; gắn thùng thư tiếp nhận phản ánh của các em. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa được như mong muốn”.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ tập võ thể dục nhằm giúp giảm căng thẳng trong học tập. Ảnh: P.Liễu |
Trải nghiệm từ thực tiễn trong công tác quản lý HS-SV, ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhận định: “Học sinh ngày nay rất dễ bị tổn thương. Có em chỉ bị thầy cô mắng nhưng đã bị trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử. Mặt khác, nhiều gia đình đặt áp lực học tập quá lớn cho con mình, khi không đạt được mong muốn của cha mẹ, nhiều em sa sút tinh thần. Do đó, việc mỗi trường có một phòng tư vấn tâm lý với những chuyên gia tư vấn được đào tạo bài bản sẽ là rất cần thiết”. Theo ông Thạch, tư vấn tâm lý học đường là hoạt động mới trong trường học, chưa có sự thống nhất về mô hình tổ chức lẫn quy định về chuyên môn, biên chế, chế độ chính sách... Mặt khác, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác tư vấn tâm lý học đường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Thời gian qua, một số trường đã linh hoạt giao giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm, song thiếu chuyên môn, thiếu động lực, thiếu chế độ đãi ngộ, nhiều trường còn không có cả không gian riêng nên hoạt động tư vấn không “sống” được.
Phương Liễu