Xe máy cũ ở tình trạng quá đát, lắp ghép mọi bộ phận vẫn đang lưu thông trên đường diễn ra khá phổ biến. Khi bị xử phạt, nhiều chủ phương tiện không ngần ngại "bỏ của" vì tiền phạt còn cao hơn cả giá trị xe.
Xe máy cũ ở tình trạng quá đát, lắp ghép mọi bộ phận vẫn đang lưu thông trên đường diễn ra khá phổ biến. Khi bị xử phạt, nhiều chủ phương tiện không ngần ngại “bỏ của” vì tiền phạt còn cao hơn cả giá trị xe.
Xe máy cũ tồn đọng ở Công an TP.Biên Hòa đang chờ được thanh lý. |
Xử phạt không được, thủ tục thanh lý phải qua nhiều công đoạn nên ngành chức năng rất mệt mỏi với việc xử lý xe quá đát chất đống.
* Nguy cơ từ xe… “truồng”
Ông Nguyễn Đức Thuận, ngụ phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) bức xúc: “Mỗi sáng tôi đi bộ tập thể dục, khi sang đường dù đã giơ tay ra hiệu, nhưng mấy lần suýt bị những chiếc xe máy cũ chở hàng phóng như bay đụng phải. Điều đáng nói là những chiếc xe này quá “lớn tuổi”, thiết bị đã rệu rã, tiếng nổ như máy cày… không chỉ gây nguy cơ mất an toàn cho bản thân người đó cũng như người điều khiển phương tiện khác, mà còn làm ô nhiễm môi trường vì khói xả đen sì”. Còn bà Nguyễn Thị Thu ở phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cũng khẳng định, không ít lần ra đường gặp những chiếc xe máy “già nua” chạy vù vù liền phải nép sát vào lề. Bởi nhiều xe đã cũ kỹ nhưng người điều khiển lại phóng nhanh, vượt ẩu. Có những xe chở bình gas hoặc cây cảnh, hay tủ lạnh, tủ sắt, heo gà… nhưng còn chạy tốc độ hơn các xe đời mới. Không ít xe chở hàng không buộc dây nên tài xế một tay giữ lái, một tay quàng ra sau giữ đồ đi lạng lách, rất nguy hiểm.
Theo Công an TP.Biên Hòa, mỗi năm có từ 700 đến hàng ngàn chiếc xe máy quá đát, xe vô thừa nhận được lưu giữ trong các kho bãi. Gần đây, ngành chức năng mới hoàn tất việc thanh lý số xe tồn đọng, vô thừa nhận của năm 2013. |
Hỏi chuyện anh Trần Văn Tú về nguồn gốc chiếc xe “cổ” anh chở đầy rau, củ, trái cây ngày ngày bán dạo tại nhiều chợ, anh cho biết mua của người quen giá 500 ngàn đồng. Anh Tú thừa nhận, dù biết là xe cũ kỹ, hư hỏng thường xuyên… đi rất nguy hiểm nhưng trong cuộc mưu sinh mà thiếu nó thì anh không thể “cày” để kiếm tiền được.
Trên các tuyến đường hiện nay không khó bắt gặp những chiếc xe máy nhiều “không”, như: không vè, bửng, đèn, còi, kính chiếu hậu; ngay cả bộ phận thắng, vỏ xe cũng “trọc lóc”. Một số bộ phận còn “đeo” lại trên xe thì cũng hoen gỉ, mục nát, hư hỏng nặng… Nhiều xe được chủ phương tiện tự ý thay đổi kết cấu như lắp ráp, chế thêm một số bộ phận khác, kể cả khung, giá đỡ chở đồ hoặc kéo thêm rờ-moóc chở hàng phía sau. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện mà còn đe dọa tính mạng người đi đường.
* Mệt mỏi trong xử lý xe cũ
Tình trạng xe cũ tham gia giao thông vẫn khá phổ biến do xe máy không phải đăng kiểm chất lượng như ô tô. Vì thế, xe “truồng” bị tạm giữ chủ yếu do vi phạm quy định về an toàn giao thông hoặc gây tai nạn bị “hốt” về. Qua đó, việc lưu giữ hay thanh lý những phương tiện này là khá mệt mỏi với ngành chức năng.
Xe máy cũ kỹ vẫn được dùng để chuyên chở hàng hóa trên đường. |
Trung tá Văn Quang Hải, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông (Công an TP.Biên Hòa) cho biết: “Mặc dù đội tuần tra liên tục trên các tuyến đường, thế nhưng những xe máy cũ nát này ít bị phát hiện vì người điều khiển thường chạy, chở hàng trong các hẻm hóc. Với những xe thay đổi kết cấu, cơi nới, gắn rờ-moóc thì khi phát hiện sẽ bị xử phạt và tịch thu bộ phận gắn thêm. Song, nhiều xe quá cũ khi bị tạm giữ, chủ xe bỏ luôn phương tiện vì tiền phạt còn cao hơn cả giá trị xe. Việc thanh lý xe máy cũ, vô thừa nhận phải thực hiện nhiều thủ tục. Ví dụ, nếu mời 3 lần mà chủ phương tiện không lên nộp phạt, không chứng minh được nguồn gốc hoặc không đến nhận thì sẽ tổ chức thanh lý, mỗi năm từ 1-2 đợt. Song, thủ tục thanh lý xe quá đát cũng không hề đơn giản. Lúc đó, Đội Cảnh sát giao thông phải lục lại hồ sơ, gửi thông báo cho chủ phương tiện, nếu họ không đến nhận mới được đưa vào diện thanh lý. Tiếp đến là quy trình cà số xe, số máy, lên danh sách và mời bộ phận giám định hình sự đến. Có kết quả rồi phải đăng thông báo trên báo chí… Sau một thời gian nhất định, những xe vô thừa nhận này sẽ được chuyển sang hội đồng đấu giá của TP.Biên Hòa tiến hành thanh lý”.
Ngày 22-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, những xe mô tô, xe gắn máy và ô tô các loại hết thời hạn sử dụng sẽ buộc phải bị thu hồi, chấm dứt quá trình sử dụng. |
Theo Trung tá Hải, nhiều phương tiện cũ đã thanh lý được các chủ thầu mua về tân trang lại, sau đó lại bán ra thị trường. Bề ngoài của những xe “tút” lại nhìn như mới, nhưng máy móc bên trong tàn cũ, chủ yếu bán rẻ cho những người chở hàng. Vì thế, phương tiện không đảm bảo an toàn này lại tái lưu thông trên đường nên nguy cơ gây tai nạn luôn rình rập.
Phương Liễu