Từ khi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới đi vào hoạt động, tôi cũng như nhiều người dân ở Biên Hòa vô cùng phấn khởi vì công trình hoành tráng, tiện nghi, sạch đẹp… Tuy nhiên, có nhiều người bệnh, thân nhân người bệnh đã chưa thực sự biết giữ gìn tài sản công này cho sạch sẽ và tiết kiệm.
Từ khi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới đi vào hoạt động, tôi cũng như nhiều người dân ở Biên Hòa vô cùng phấn khởi vì công trình hoành tráng, tiện nghi, sạch đẹp… Tuy nhiên, có nhiều người bệnh, thân nhân người bệnh đã chưa thực sự biết giữ gìn tài sản công này cho sạch sẽ và tiết kiệm.
Mới đây, khi vào một nhà vệ sinh ở khu khám bệnh, tôi thấy những chị lao công ở đây làm việc rất chăm chỉ để cho khu nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, nhưng vẫn có những người đi rồi không giật nước, bỏ giấy và băng vệ sinh thẳng xuống bồn cầu, đặt cả dép lên bàn ngồi, có thùng đựng rác nhưng cứ tiện đâu vứt đó… khiến các nhân viên lao động lại thêm vất vả khi cứ phải liên tục “xử lý” hệ lụy từ những người thiếu văn hóa. Nhiều người còn mở nước rửa tay, xong cũng không thèm khóa nước hoặc khóa không chặt, dẫn đến lãng phí nước.
Mấy chị nhân viên lao công ở bệnh viện còn than phiền về tình trạng nhiều người lấy cắp giấy cuộn vệ sinh, xà bông rửa tay. Chị Hà, một lao công ở đây kể: “Bệnh viện sử dụng giấy cuộn lớn. Có khi chị em tôi vừa thay, ít phút sau vào đã thấy mất cả cuộn; hoặc nếu không mất thì cũng kéo ra sử dụng rất nhiều, hoặc làm ướt… điều đó không chỉ lãng phí giấy mà còn gây nguy cơ nghẹt bồn cầu”.
Công trình bệnh viện công là để phục vụ mọi người. Công trình có giữ được sạch sẽ, bền đẹp lâu hay chóng, phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa và ý thức giữ gìn của mỗi người khi đến bệnh viện công. Mong rằng, mỗi người dân đều có trách nhiệm với “tài sản công” này.
Thuận Thảo (TP.Biên Hòa)