Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ năng thoát hiểm ở nhà cao tầng

08:11, 21/11/2015

Những năm gần đây, do cuộc sống ngày càng đi lên nên có nhiều người sống và làm việc trong những tòa nhà cao tầng. Vì vậy, ngoài ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì kỹ năng thoát hiểm để chủ động ứng phó khi xảy ra sự cố là điều cần thiết...

Những năm gần đây, do cuộc sống ngày càng đi lên nên có nhiều người sống và làm việc trong những tòa nhà cao tầng. Vì vậy, ngoài ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì kỹ năng thoát hiểm để chủ động ứng phó khi xảy ra sự cố là điều cần thiết...

Một chung cư cao tầng ở TP.Biên Hòa bị “bao vây” bởi hàng quán sẽ khiến công tác cứu nạn, chữa cháy gặp khó khăn.
Một chung cư cao tầng ở TP.Biên Hòa bị “bao vây” bởi hàng quán sẽ khiến công tác cứu nạn, chữa cháy gặp khó khăn.

TP.Biên Hòa hiện có 18 chung cư, nhà cao từ 9 tầng trở lên và hơn 100 nhà từ 3-5 tầng. Ngoài ra, nhà 1-2 tầng khá phổ biến.

* Nhiều nguy cơ rình rập

Có dịp quan sát và tìm hiểu công tác PCCC tại nhiều nhà cao tầng đông người sống và làm việc, như: chung cư trên đường Nguyễn Ái Quốc (gần Metro), chung cư Thanh Bình,  Trung tâm thương mại Vincom, Siêu thị Co-op mart, tòa nhà Pegasus, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới thấy vẫn còn những nguy cơ thiếu an toàn.

Theo Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, 9 tháng của năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy và 1 vụ nổ, làm chết 2 người, thiệt hại về tài sản 2,257 tỷ đồng.

Chẳng hạn, ở Siêu thị Co-op mart, lối thoát hiểm ở tầng 1 thường là chỗ để xe hàng và tập kết hàng hóa, điều này sẽ gây cản trở đường thoát hiểm khi có sự cố. Hay ở dãy chung cư A1 mới xây trên đường Nguyễn Ái Quốc (thuộc phường Quang Vinh), tủ đựng thiết bị PCCC lại… trống không; khu chung cư cũng trên đường Nguyễn Ái Quốc (thuộc phường Trung Dũng) lại bị bủa vây bởi hàng quán, trong khi nhiều hộ ở đây tự hàn rào sắt bao kín lan can… Những điều “cấm kỵ” này sẽ gây khó khăn trong việc thoát hiểm.

Tương tự, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới hiện là một trong những tòa nhà cao nhất Biên Hòa, gồm 2 block 14 tầng và 18 tầng. Mỗi ngày bệnh viện có khoảng 8,5 ngàn người lui tới, bao gồm: nhân viên y tế, người bệnh nội và ngoại trú và thân nhân người bệnh. Đây là công trình mới xây dựng, có thiết kế hiện đại, được đầu tư trang thiết bị, xây dựng phương án PCCC đầy đủ, vấn đề thoát hiểm được tính toán rất kỹ lưỡng cho từng tầng, từng khu vực. Tuy nhiên, theo băn khoăn của bác sĩ Phó giám đốc bệnh viện Bùi Văn Dũng Anh, nếu xảy ra sự cố cháy nổ, ngoài đối tượng có khả năng tự di chuyển được thì bệnh viện vẫn đang nghiên cứu xây dựng phương án cụ thể đối với việc cứu nạn những đối tượng không có khả năng di chuyển là người bệnh nặng.

Theo quy định, các tòa nhà cao tầng bắt buộc phải có hệ thống báo cháy tự động; tại bất kỳ điểm nào của từng tầng phải có 2 họng chữa cháy tiếp cận trong vòng 3 phút kể từ khi báo cháy; phải có ít nhất 2 cầu thang bộ thoát hiểm, có hệ thống tăng áp cho tòa nhà (bao gồm tăng áp cho cầu thang bộ thoát hiểm và hút khói cho từng tầng), nhằm bảo đảm cho người ở khu vực cháy thoát xuống tầng dưới và ra ngoài an toàn... Thế nhưng, qua khảo sát của Cảnh sát PCCC tỉnh, nhiều nhà cao tầng trên địa bàn còn mắc một số lỗi trong quy định PCCC, như: hệ thống cảnh báo cháy chất lượng kém, thiếu đèn chiếu sáng, đèn chỉ dẫn thoát nạn hoạt động không bảo đảm, bình chữa cháy quá hạn sử dụng, họng lấy nước gỉ sét…

* Kỹ năng thoát hiểm: sự sống - còn

Có thể nói, chữa cháy và ứng cứu sự cố ở những tòa nhà cao tầng lâu nay vốn khó khăn. Do đó, người sống và làm việc trong những tòa nhà này cần tự trang bị kỹ năng thoát hiểm, bởi đó là sự sống - còn.

Đã gần 2 năm trôi qua, ông Trần Phạm Hùng Phong - người sống sót sau vụ cháy ngày 23-12-2013 tại tiệm may nệm Phong Phú (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) làm 5 người thiệt mạng vẫn rất đau đớn bởi cái chết của những người thân. Ông Phong nói: “Nếu  những người thân của tôi nắm được các kỹ năng thoát hiểm khi mới phát hiện cháy, bằng cách trùm mền ướt băng qua đám cháy ra ngoài, họ có thể đã không chết. Bởi khi khói bốc lên cao, trong khi tầng trên không có lối ra nên càng dễ bị ngạt”.

Một buổi diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Công ty TNHH Liberty Lace (Khu công nghiệp Biên Hòa 2).  (ảnh tư liệu)
Một buổi diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Công ty TNHH Liberty Lace (Khu công nghiệp Biên Hòa 2). (ảnh tư liệu)

Làm công tác tuyên truyền về PCCC và trang bị kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho người dân ở nhiều tòa nhà cao tầng, Thượng úy Vũ Nguyễn Quỳnh Sơn, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền xây dựng Phong trào toàn dân PCCC (Cảnh sát PCCC tỉnh), chia sẻ:  “Qua những vụ cháy nổ gây chết người trong tỉnh, cũng như trên cả nước cho thấy ngoài nguyên nhân bất cập từ phía cơ sở vật chất, việc tiếp cận khó khăn của lực lượng PCCC, thì chính tình trạng thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng thoát hiểm đã khiến nạn nhân tử vong. Không chỉ phải biết các vị trí thoát hiểm nơi mình sống hoặc làm việc, mà ngay cả khi đến các trung tâm đông người, cũng nên quan sát và ghi nhớ vị trí cửa thoát hiểm, chú ý nơi để các phương tiện chữa cháy… nhằm ứng phó nhanh khi có sự cố cháy”.

Theo Thượng úy Vũ Nguyễn Quỳnh Sơn, khi phát hiện sự cố cháy, mọi người cần phải bình tĩnh, tuyệt đối không chạy theo đám đông để tránh tình trạng ùn tắc. Mặt khác, nhanh chóng gọi điện thoại đến số 114 và người thân để báo cháy và thông báo vị trí mắc kẹt. Ngoài ra, cần lưu ý thực hiện các hướng dẫn sau:

- Làm ướt người và sử dụng khăn ướt bịt mũi, miệng để chống khói, hơi ngạt, đồng thời tìm cách vượt nhanh qua đám khói. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao.

- Tìm đường thoát hiểm gần nhất, không được thoát hiểm bằng thang máy.

- Chú ý hoặc có thể kiểm tra nhiệt độ trước khi mở cửa, nghiêng người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ cửa quá cao thì không được mở cửa.

- Khi ra khỏi đám cháy, phải đứng cách xa khu vực cháy để đề phòng nổ.

- Trong trường hợp cháy ở tầng thấp, nếu không có đệm đỡ phía dưới thì có thể dùng dây hoặc quần áo thắt lại để làm dây leo xuống.

 

Phương Liễu

 
 

 

 

 

 

Tin xem nhiều