Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất: Hãy để khoa học lên tiếng sẽ thuyết phục hơn

12:03, 24/03/2015

Một không gian kiến trúc là tổng hợp các giá trị: công năng, dân sinh, kinh doanh, văn hóa, lịch sử, môi trường sống bền vững… Khi nói về một dự án không thể nói bằng cảm tính vì đó là khoa học, là sự cân nhắc giữa được và mất, là những giá trị phải cân đong để phần được nhiều hơn phần mất trong tiến trình phát triển của đô thị.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất. Ảnh: V.NAM
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất. Ảnh: V.NAM

Một không gian kiến trúc là tổng hợp các giá trị: công năng, dân sinh, kinh doanh, văn hóa, lịch sử, môi trường sống bền vững… Khi nói về một dự án không thể nói bằng cảm tính vì đó là khoa học, là sự cân nhắc giữa được và mất, là những giá trị phải cân đong để phần được nhiều hơn phần mất trong tiến trình phát triển của đô thị. Ý kiến của tôi về vấn đề này dựa trên hai tiêu chí: một là giá trị công năng, giá trị sử dụng đem lại lợi ích cộng đồng lớn nhất; hai là quy trình thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của luật pháp. Đó chính là cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý.

Là người làm nghề kiến trúc, tôi cũng có những cảm nhận cảm tính của tôi. Nhưng cảm nhận cảm tính không thể thay cho những kết luận khoa học được. Như vậy, những ý kiến phản đối hay ủng hộ cũng phải dựa vào kết luận của khoa học. Và tôi nghĩ mọi người khi tham gia nên cân nhắc đến lợi ích của cộng đồng và tính khả thi của việc mang lại lợi ích đó. Tôi cho rằng, lợi ích cộng đồng được đặt lên trên hết, và tính khả thi để mang lại lợi ích đó. Đó là lợi ích nhà đầu tư. Sẽ không bao giờ có chuyện nhà đầu tư tham gia tạo nên một lợi ích chung cho cộng đồng mà không có lợi ích riêng. Việc đòi hỏi chỉ mang lại lợi ích chung thôi chỉ có thể xảy ra khi Nhà nước đầu tư, mà Nhà nước thì nhiều khi làm rất chậm. Vì vậy bên cạnh công trình có sự đầu tư của Nhà nước cần phải có những công trình xã hội hóa. Đây là quan điểm chung để tôi phát biểu về chuyện này.

Thứ nhất,  là một kiến trúc sư, tham gia các công việc thuộc về quy hoạch, dự án, công trình kiến trúc nên tôi có biết việc thực hiện một góc đô thị mới trên sông Đồng Nai. Ở góc độ chuyên môn, điều tôi quan tâm là dự án mang lại giá trị gì cho đô thị. Sông Đồng Nai là con sông mang tính bản sắc của đô thị Biên Hòa, tất cả những dự án có liên quan đến hai bờ sông nếu có ảnh hưởng tích cực chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều thứ. Việc phát triển một đô thị phải có khu cũ và khu mới. Và khu vực triển khai dự án là vị trí được xác định khá tốt.

Là người con Biên Hòa, nơi này là con đường tôi đã đi học hằng ngày, tuổi lớp 4, lớp 5 và trong ký ức của tôi đó là một “quảng trường nước”, một cái gì rất đặc trưng, rất bản sắc. Khi làm nghề, tôi cũng có mơ ước làm sao lặp lại quảng trường đó cho TP.Biên Hòa, trở thành độc nhất vô nhị. Bởi trong tuổi thơ của tôi, đoạn sông đó (nơi làm dự án) là khoảng lặng của dòng chảy, đến đó rồi mở rộng ra. Trong một số thời điểm sự kiện, người ta sử dụng nó như một quảng trường như để nhảy dù, ca nô, máy bay tấn công mục tiêu, đua thuyền… và dân chúng hai bên bờ vây kín để xem. Nói vậy để thấy nơi đó đã mở rộng mặt nước thì tính dòng chảy cũng không là lớn. Nhưng trả lời vấn đề này phải dựa trên khoa học, hãy dành cho những người có chuyên môn về khí tượng thủy văn.[links(left)]

Thứ hai, ngày xưa nơi đó là bờ sông với nhiều công trình ven sông nhưng bây giờ không còn nữa, do đã sạt lở. Theo đồ án tỉnh Đồng Nai thống nhất thực hiện, sau khi đã phiêu thêm đất để nong bờ ra thì bờ đó vẫn là một đường cong lõm, nó chưa thẳng hoặc là lồi. Tôi nghĩ đó cũng là một thông số để cho cơ quan chuyên môn về thủy văn nên xác định điều đó có thực sự nguy hiểm hay không.

Thứ ba, để một dự án được phê duyệt phải tuân thủ nhiều bước, cái này tôi không trả lời thay những người có trách nhiệm của UBND tỉnh. Điều này sẽ có tiếng nói chính thức của tỉnh Đồng Nai để xác định tiến trình dự án có đúng hay không.

 Thứ tư, những người có trách nhiệm với dự án này nên có câu trả lời xác đáng trước dư luận, tất cả những dư luận trái chiều quan tâm sẽ được khoa học trả lời như thế nào. Ví dụ tốc độ dòng chảy, sự xâm thực, tác động môi trường… những vấn đề đặt ra, tôi nghĩ đã phải có trước khi dự án được phê duyệt. Nếu dư luận vẫn còn âu lo thì phía tỉnh Đồng Nai nên có giải trình. Tuy nhiên, với khoảng 8,4 hécta lấn ra sông như hiện nay, trong đó có những phần trả lại hiện trạng bờ sông ngày xưa vốn đã bị sạt lở, so với 300 hécta mặt nước khu vực này, như vậy gọi là lấn sông hay lấp sông được không?

Cuối cùng, chủ trương xã hội hóa là một chủ trương rất đúng và cần phải khai thác một cách tốt nhất. Những dự án nào được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, được nhà đầu tư quan tâm tham gia thì phải xem là thành công. Những dự án xã hội hóa luôn được thực hiện theo công thức đổi đất lấy hạ tầng. Nhà đầu tư bỏ vốn ra thì họ sẽ thu lợi được gì, đầu tư lại gì cho cộng đồng. Không ai đầu tư một công trình để thua lỗ cả, đó là điều đương nhiên. Vấn đề là lợi ích của nhà đầu tư sẽ bù đắp cho việc thực hiện, và khi thực hiện xong cộng đồng sẽ được thụ hưởng những giá trị rất lớn. Ví dụ ở dự án này, nhà đầu tư sử dụng 1/3 tổng diện tích của dự án, 2/3 dành cho các tiện ích công cộng, giá trị cộng đồng hưởng lợi rất lớn. Những điều này cần được phân tích, thuyết minh và thuyết phục với cộng đồng. 

Về dự án này, tôi không nói là nên đứng về nhà đầu tư, nên đứng về phía tỉnh hay dư luận đang phản đối. Điều tôi muốn nói là không nên dùng cảm tính để thay đổi bài tính về mặt khoa học. Hãy để khoa học, hãy để chuyên môn lên tiếng, hãy bình tĩnh và cân nhắc, xác định giá trị lớn nhất dành cho cộng đồng là mục tiêu quan trọng nhất. 

Vân Nam (ghi)

 

 

Tin xem nhiều