Báo Đồng Nai điện tử
En

"Né" phí bảo trì đường bộ

11:05, 31/05/2014

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, số chủ phương tiện xe máy 2 bánh đóng phí bảo trì đường bộ có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các chế tài xử phạt đến nay chưa được ban hành.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, số chủ phương tiện xe máy 2 bánh đóng phí bảo trì đường bộ có chiều hướng giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các chế tài xử phạt đến nay chưa được ban hành.

Theo quy định, tất cả các phương tiện ô tô, xe gắn máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa
Theo quy định, tất cả các phương tiện ô tô, xe gắn máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. (Ảnh minh họa)

Đồng Nai triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện giao thông từ đầu năm 2013. Theo đó, việc thu phí đối với ô tô được thực hiện theo đầu phương tiện do cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm, còn với xe máy thì UBND các xã, phường, thị trấn đảm nhiệm. Thời gian qua, việc thu phí đối với xe ôtô được tiến hành khá trôi chảy do được gộp chung với các thủ tục đăng kiểm nên các phương tiện không thể tránh né. Riêng với xe máy, trong năm đầu thực hiện khá thuận lợi, song đến năm nay có phần sụt giảm.

Ông Phạm Thanh Long, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), cho hay năm 2013 phường thu phí bảo trì đường bộ hơn 100 triệu đồng. Năm nay, chỉ tiêu giao 400 triệu đồng nhưng đến thời điểm này chỉ thu được vài triệu đồng. Theo ông Long, nhiều người đóng phí hồi năm ngoái còn trách tại sao phường vận động người dân đóng tiền sớm. Xảy ra tình trạng này là vì nhiều trường hợp không đóng phí nhưng chẳng thấy ai bị xử phạt, nhắc nhở gì tạo ra sự không công bằng giữa người đóng phí với người không đóng. Đây cũng là lý do nhiều người “né” đóng phí bảo trì đường bộ năm 2014.

Không riêng gì ở TP.Biên Hòa, một số địa phương khác trong tỉnh cũng xảy ra tình trạng thất thu phí bảo trì đường bộ. Giải thích việc chưa mặn mà đóng phí phương tiện xe 2 bánh, chị Nguyễn Thị Trâm, ngụ tại xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) cho biết, có nghe ban ấp vận động nộp phí đối với xe máy. Nhưng thấy lối xóm, bạn bè chưa ai đóng phí này nên bản thân… làm ngơ luôn. Hơn nữa, khi lưu thông trên đường, chưa bao giờ thấy cảnh sát giao thông hỏi biên lai thu phí xe 2 bánh, vì vậy chị nghĩ từ từ đóng cũng không sao. 

Tại Đồng Nai, mức thu phí đối với xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 100cm3 là 80 ngàn đồng/xe/năm; xe có dung tích trên 100cm3 và xe 3 bánh chở hàng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép lưu hành, mức phí là 120 ngàn đồng/xe/năm. Theo ông Nguyễn Thanh Đạm, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Giao thông - vận tải, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, năm 2013 tổng thu phí ở lĩnh vực này toàn tỉnh là 133 tỷ đồng. Trong đó, thu từ xe ôtô là 90 tỷ đồng (đã nộp về Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương), còn 43 tỷ đồng thu từ xe máy do Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh quản lý. Phần thu này sẽ được phân bổ về các huyện để đầu tư cho hạ tầng giao thông của địa phương.

Nói về vấn đề xử phạt, đại tá Ngô Văn Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, cho biết thời gian qua đơn vị chưa xử lý trường hợp không nộp phí bảo trì đường bộ, vì vẫn đang trong quá trình xây dựng kế hoạch và chờ văn bản hướng dẫn cụ thể. Hiện tại việc xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được áp dụng theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 (thay thế Nghị định 71/2012/NĐ-CP). Thế nhưng, nội dung nghị định này lại không quy định về việc xử phạt đối với hành vi không đóng phí bảo trì đường bộ. Do vậy lực lượng chức năng chưa thể triển khai xử lý đối với các chủ phương tiện không đóng phí. 

Kim Liễu

 
 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích