Theo quy định, các điểm kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online) phải cách xa các cổng trường học từ 200m trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều điểm kinh doanh trò chơi này lâu nay vẫn tồn tại "sát nách" các trường học.
Theo quy định, các điểm kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online) phải cách xa các cổng trường học từ 200m trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều điểm kinh doanh trò chơi này lâu nay vẫn tồn tại “sát nách” các trường học.
Một số chủ đại lý kinh doanh các trò chơi trực tuyến game online biết rất rõ quy định này, song đã cố tình “phớt lờ”.
* Game online ngay cổng trường
Dạo quanh một số trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa, chúng tôi nhận thấy không ít trường bị “bao vây” bởi các điểm kinh doanh trò chơi trực tuyến.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, nhiều học sinh vào tiệm net “luyện” game |
Nhiều nhất phải kể đến khu vực gần Trường tiểu học Hóa An (xã Hóa An). Tại đây có đến 3 điểm kinh doanh trò chơi game online cách nhà trường chỉ vài chục mét. Theo một số dân cư ở đây, từ sáng đến tối những điểm kinh doanh này luôn tấp nập khách đến chơi, trong đó phần lớn là học sinh. Thậm chí có nhiều hôm, chủ quán mở cửa thâu đêm để khách hàng “luyện” game.
Tương tự, ngay sát bên hông Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (phường Hố Nai) có một điểm kinh doanh game online hàng ngày thu hút khá đông khách hàng “áo trắng” đến chơi. Điều đáng nói, điểm kinh doanh này không có bảng hiệu, không bảng niêm yết giá, địa chỉ, số điện thoại liên hệ và số đăng ký kinh doanh. Bên trong, chủ nhà tận dụng luôn phòng khách chật chội để đặt hàng chục máy tính.
Ngoài ra, cách cổng Trường THPT Chu Văn An (phường Quyết Thắng), chưa đầy 100m có một tiệm kinh doanh game online với vô số lời quảng cáo hấp dẫn.
Ở huyện Trảng Bom, trước cổng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3) chỉ cách vài bước chân nhưng có tới 2 tiệm kinh doanh trò chơi trực tuyến…
Có thể nói, tại bất cứ tiệm game online gần trường học nào, chúng tôi cũng bắt gặp các “game thủ” mặc đồng phục học sinh đang dán mắt vào màn hình với những trò chơi đầy tính bạo lực.
* Phụ huynh lo lắng
Trên thực tế, việc học sinh sa đà vào các trò chơi điện tử, bỏ bê việc học hiện đang là nỗi lo của rất nhiều phụ huynh. Anh Nguyễn Hồng Sơn, có con đang học tại Trường tiểu học Hóa An, lo lắng: “Các điểm kinh doanh game “bao vây” nhà trường khiến chúng tôi không an tâm, chỉ sợ các cháu mê game rồi sao nhãng học tập. Vì vậy, tôi hoặc mẹ cháu luôn phải đưa đón con đúng giờ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện quản lý giờ giấc của con em mình mỗi ngày”.
Một tiệm net nằm bên hông Trường tiểu học Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.CHÍNH |
Theo Điều 35 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quy định: Tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các điều kiện sau: Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, THCS, THPT từ 200m trở lên; có bảng hiệu ghi rõ “điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” bao gồm: tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh; tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III; tối thiểu 40m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30m2 tại các khu vực khác… |
Cùng nỗi lo như anh Sơn, anh Mai Văn Khanh, ngụ xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) thắc mắc, mặc dù quy trình cấp phép trong việc mở tiệm kinh doanh trò chơi trực tuyến được quy định rất nghiêm ngặt, nhưng không hiểu sao các tiệm kinh doanh này vẫn tồn tại gần trường học được. Theo anh Khanh, nếu cơ quan có trách nhiệm không thắt chặt công tác kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh cho loại hình dịch vụ như game online, internet theo quy định, thì khó có thể giải tỏa được nỗi lo của các bậc phụ huynh về môi trường nơi con em mình đang theo học.
Trao đổi về thực trạng một số điểm kinh doanh game online nằm sát một số trường học hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó chánh thanh tra Sở Thông tin - truyền thông, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1 ngàn cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh các trò chơi trực tuyến. Lâu nay, việc cấp phép cho các cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh trò chơi trực tuyến được giao cho phòng chức năng tại các huyện, thị xã và thành phố thực hiện. Qua đó, các đơn vị này chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát hoạt động đối với các cơ sở do mình cấp phép. Hàng năm, Sở Thông tin - truyền thông đều tổ chức các buổi kiểm tra định kỳ tại các địa phương. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Sở đã kiểm tra và ra quyết định rút giấy phép kinh doanh đối với 20 cơ sở vi phạm. “Tới đây, chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu phòng văn hóa - thông tin các địa phương sớm có biện pháp tăng cường kiểm tra. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ đề nghị rút giấy phép để tránh tình trạng làm ảnh hưởng tới việc học tập của các em học sinh” - bà Liên nhấn mạnh.
Giao Thủy