Những ngày gần đây, Báo Đồng Nai nhận được đơn thư của bạn đọc gửi đến phản ảnh về tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở một số địa phương. Trong đó, đáng chú ý là có những vụ gây ÔNMT kéo dài nhiều năm nhưng vẫn tồn tại.
Rác tràn ngập dòng chảy qua cầu Sông Nhạn. |
Những ngày gần đây, Báo Đồng Nai nhận được đơn thư của bạn đọc gửi đến phản ảnh về tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở một số địa phương. Trong đó, đáng chú ý là có những vụ gây ÔNMT kéo dài nhiều năm nhưng vẫn tồn tại.
* Đỗ My, ngụ huyện Thống Nhất: Cầu Sông Nhạn ô nhiễm nghiêm trọng
Thời gian gần đây, tình trạng rác thải sinh hoạt, túi ny-lông, hộp xốp các loại do những người vô ý thức thường xuyên vứt xuống cầu Sông Nhạn (khu Bàu Ao, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) khiến dòng chảy đôi khi bị tắc nghẽn. Thậm chí rác thải dồn lâu ngày đã thành đống ngay dưới chân cầu bốc mùi hôi thối và gây ÔNMT nghiêm trọng. Môi trường bị ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân ngụ gần cầu Sông Nhạn. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, trả lại trong lành cho khu vực nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa có gì chuyển biến. Tôi được biết, công tác vệ sinh môi trường tại địa phương là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới, nhưng không hiểu vì sao tình trạng ÔNMT khu vực cầu Sông Nhạn vẫn còn tồn tại?
* Lê Thị Thu, khu 3, ấp 7, xã An Phước (huyện Long Thành): Dân khổ vì trại heo
Trại heo Ngọc Phụng gần khu dân cư chúng tôi ở chuyên nuôi heo nái và heo thịt với số lượng lớn, hoạt động đã 10 năm. Tuy nhiên, trong trại chỉ có vài hố chứa phân heo nên mùi hôi thối hàng ngày xông lên nồng nặc. Đáng kể là trang trại thường xuyên xả chất thải ra đường mương, trong khi người dân nơi đây đa số sử dụng nước giếng khoan. Thời gian trước, nước giếng còn nấu ăn được, nhưng nay nước cũng đã bị ô nhiễm. Người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng các cấp giải quyết tình trạng ô nhiễm do trang trại nuôi heo Ngọc Phụng gây ra. Đã có nhiều đoàn kiểm tra đến xử lý và buộc chủ cơ sở không nuôi heo ở những chuồng gần với khu dân cư, đồng thời khắc phục triệt để mùi hôi. Thế nhưng, doanh nghiệp Ngọc Phụng chỉ một thời gian ngắn chấp hành các quyết định của đoàn kiểm tra, sau đó mọi chuyện lại tái diễn. Người dân chúng tôi nhiều năm qua rất khổ vì phải “sống chung” với ô nhiễm.
* Lương Văn Lộc, quận 3, TP.Hồ Chí Minh: Cơ sở nấu đồng “giết” cây trồng!
Gia đình tôi có một lô đất tại ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) hiện đang trồng nhiều loại cây. Gần đây, bỗng dưng cây cứ chết dần. Tìm hiểu thì tôi biết, do kế đất nhà có cơ sở nấu đồng hoạt động liên tục, khói liên tục bao phủ một không gian rộng, làm ảnh hưởng đến đất nên cây không sống được. Bản thân tôi đã nhiều lần sang nhắc nhở chủ cơ sở phải có giải pháp an toàn trong quá trình sản xuất, tránh gây liên lụy tới bà con lối xóm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chẳng có động thái gì khắc phục. Tôi đã làm đơn gửi chính quyền địa phương và ngành tài nguyên - môi trường nhưng chưa thấy ai tới kiểm tra, tìm hiểu.
Ban CTBĐ