Hai trận mưa đầu mùa không lớn lắm nhưng cũng đủ làm đường phố Biên Hòa ngập lênh láng. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu vào đầu tháng 5 tới, sớm hơn nhiều so với những năm trước…
Hai trận mưa đầu mùa không lớn lắm nhưng cũng đủ làm đường phố Biên Hòa ngập lênh láng. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu vào đầu tháng 5 tới, sớm hơn nhiều so với những năm trước…
Sau cơn mưa, nước ngập lênh láng trên đường Nguyễn Ái Quốc. (Ảnh chụp ngày 8-4-2013). Ảnh: C.Nghĩa |
Trong khi đó, nhiều dự án (DA) xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước (HTTN) trong TP.Biên Hòa đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện. Do đó, mùa mưa năm nay, người dân thành phố vẫn phải sống trong tình cảnh cứ mưa to là ngập.
Theo Trung tâm thoát nước Đồng Nai (Sở Xây dựng), DA thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa (giai đoạn 1) đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008. DA này sẽ xây dựng HTTN và xử lý nước thải cho 20 phường trong thành phố. Mặt khác, DA còn cải tạo rạch, suối và xây dựng hai nhà máy xử lý nước thải cho toàn thành phố. Tổng mức đầu tư đã được phê duyệt của DA khoảng 2.556 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Theo quyết định của UBND tỉnh, thời gian thực hiện DA từ năm 2008-2010, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành khâu đền bù, giải tỏa và cũng chưa được bố trí vốn.
Phóng viên Báo Đồng Nai đã gặp gỡ một số người dân sống lâu năm ở TP.Biên Hòa, ai nấy đều cho biết, dạo trước chỉ khi nào mưa thật lớn thì khu vực vòng xoay Biên Hùng mới ngập. Thế nhưng, những năm gần đây, chỉ cần mưa kéo dài là khu vực này ngập đến đầu gối. Ngoài điểm này, thống kê gần đây cho thấy, TP.Biên Hòa đã “nâng” thêm nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ sau mưa. |
Ngày 12-4-2013, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư, kiến nghị xem xét đưa DA này vào danh mục các DA sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, giai đoạn 2013-2015. Ngoài ra, UBND tỉnh giao cho Trung tâm thoát nước triển khai một số DA chống ngập cục bộ cho một số điểm trong thành phố, như: DA thoát nước suối Săn Máu (kinh phí khoảng 33 tỷ đồng); DA thoát nước trên xa lộ Hà Nội, đoạn từ giáo xứ Chân Lý đến đường vào Nhà máy nước Thiện Tân (kinh phí khoảng 20 tỷ đồng); DA đầu tư chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan để chống ngập cho khu vực cầu số 1, cầu số 2, cầu Quan trên đường Bùi Văn Hòa với kinh phí gần 1 ngàn tỷ đồng. Các DA này hiện đã hoàn thành thiết kế nhưng do chưa được bố trí vốn nên chưa triển khai thực hiện.
Bà Võ Thị Tuyết Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Bình: Cứ đến mùa mưa là rầu! Trường mầm non Thanh Bình nằm trong hẻm nên chỉ có một lối ra duy nhất là đường Hưng Đạo Vương. Khi mưa lớn, nước ngập từ vòng xoay Biên Hùng kéo dài gần hết tuyến đường này nên không chạy đi đâu để tránh được. Những hôm tan trường, gặp lúc mưa to nước ngập lênh láng nên việc đi lại của giáo viên và các trẻ rất vất vả. Nhìn phụ huynh chở mấy cháu nhỏ đi về trên con đường ngập nước mà thương. Mỗi lần xe ô tô chạy qua là nước bắn tung tóe lên quần áo và cả mặt các em. Không chỉ vậy, nước chảy xiết làm cho xe máy chở học sinh chao đảo rất nguy hiểm. Có hôm nước ngập cao đến gần nửa người, nhiều xe bị chết máy khiến phụ huynh phải đẩy bộ, trong khi con vẫn ngồi chông chênh trên xe. Nhiều người vừa đẩy xe vừa dò dẫm từng bước đi vì sợ trúng gờ của vỉa hè hay sụp hố ga, trẻ nhỏ rất dễ bị rơi xuống nước. Vì vậy, cứ đến mùa mưa là giáo viên, phụ huynh nhà trường rầu lắm. Mong sao DA cải tạo HTTN ở vòng xoay Biên Hùng sớm được thi công để người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Ông Bùi Huy Toàn, tổ 12, KP5, phường Trảng Dài: Mong dự án sớm triển khai Cứ mưa to là đường sá và cả những ngôi nhà ven suối Săn Máu đều mênh mông nước. Khi mưa lớn, nước từ các nơi đổ dồn về suối, chảy rất mạnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người đi đường. Nhiều hôm trời đang mưa, chúng tôi phải giăng dây ngang đường trong khu phố để cảnh báo, không cho người dân đi ra đường Nguyễn Ái Quốc. Hiện tại, những hộ dân có đất thuộc DA cải tạo suối Săn Máu đang phải sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì DA chưa triển khai thực hiện. Số gia đình này mong Nhà nước nhanh chóng triển khai DA, và sớm nhận được tiền bồi thường để họ có điều kiện chuyển đi nơi khác. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP.Biên Hòa: Tình trạng ngập sẽ tái diễn! Khi các DA xây dựng và cải tạo HTTN của thành phố chưa được triển khai thực hiện, thì trong mùa mưa năm nay, tình trạng nước ngập trên các tuyến đường chắc chắn vẫn tái diễn. Thời gian qua, Phòng QLĐT thường xuyên tổ chức nạo vét cống rãnh nhưng cũng chỉ khắc phục được phần nào. Hiện nay, toàn thành phố có cả chục đoạn đường bị ngập nặng khi mưa lớn, như: ngã năm Biên Hùng (đoạn giao nhau giữa đường 30-4 - Hà Huy giáp - Hưng Đạo Vương); ngã tư Phạm Văn Thuận - Võ Thị Sáu; Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, xa lộ Hà Nội... Trong đó, nhiều đoạn bị ngập nặng phải kể đến các tuyến đường: Nguyễn Ái Quốc (đoạn cầu Săn Máu và trước Bệnh viện tâm thần Trung ương 2), Bùi Văn Hòa (đoạn qua cầu số 1, cầu số 2 và cầu Quan). Các điểm nói trên, khi mưa to nước ngập trên diện rộng và chảy rất xiết, có thể cuốn trôi các loại xe 2 bánh lưu thông trên đường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa, là do tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, trong khi cơ sở hạ tầng là HTTN đã cũ, không đồng bộ nên nước mưa thoát không kịp. Có những tuyến đường mới nâng cấp, như: Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi nhưng chỉ làm mương thoát nước dọc 2 bên chứ không thoát nước cho cả khu vực nên khi mưa lớn, đường vẫn bị ngập. Thậm chí có tuyến không có HTTN như đường Bùi Văn Hòa. Khi mưa lớn, nước chảy xối xả từ các ngả đường xuống cầu số 1, cầu số 2, cầu Quan nên các phương tiện đi ngang qua các cây cầu này lúc trời mưa lớn rất nguy hiểm. Phòng QLĐT đã có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm khắc phục các điểm ngập nước này. |
Ngọc Thư