Dịp cuối năm, một số “cò” thường xuyên tụ tập trước cổng ga Biên Hòa mời chào người mua vé tàu tết về quê. Nhiều người nhẹ dạ đã bị mất oan một số tiền, hoặc phải đi nhầm tuyến khiến họ khổ sở không kém.
Dịp cuối năm, một số “cò” thường xuyên tụ tập trước cổng ga Biên Hòa mời chào người mua vé tàu tết về quê. Nhiều người nhẹ dạ đã bị mất oan một số tiền, hoặc phải đi nhầm tuyến khiến họ khổ sở không kém.
Tuy được nhà ga liên tục thông báo hành khách phải mua vé trực tiếp tại quầy, nhưng một số người vẫn tin vào lời quảng cáo: nhanh, rẻ, đúng tuyến, đúng ngày của đội ngũ “cò” này.
* Mùa làm ăn
Thấy chúng tôi chạy xe máy gần tới cổng ga Biên Hòa, một phụ nữ chừng 50 tuổi, nhanh nhảu ra hỏi: “Mua vé tàu tết phải không?”. Chỉ đợi chúng tôi gật đầu, người này hỏi dồn: “Đi đâu, ngày nào?”. Sau đó, người này giới thiệu tên Hà và tiếp thị: “Từ 25 âm lịch trở đi, mua vé đi Hà Nội khó lắm, dân thường không mua được đâu. Nếu cần, đặt trước cho tụi này 350 ngàn đồng. Khi nào có vé, tui gọi tới lấy”.
Một chủ quán nước (bìa trái) kiêm “cò” vé đang chào mời khách. |
Ước chừng “con mồi” chưa yên tâm với lời giới thiệu của mình, “cò” Hà kéo chúng tôi tới một quán nước gần đó. Tại đây có 5 người đang ngồi, trong đó có đến 3 “cò”. Một người đàn ông chừng 30 tuổi khẳng định chắc nịch: “Chỉ cần đưa tiền là đảm bảo có vé đúng ngày, giờ. Em muốn toa giường nằm hay hạng khác đều giải quyết được”.
Ước tính, tại ga Biên Hòa có chừng chục “cò” vé, trong đó một nửa thường xuyên đứng trước cổng chào mời người đi mua vé tàu, số còn lại “trực” bên trong sân. Ở khu vực này, có một “cò” trạc 40 tuổi hoạt động gần nơi giữ xe hai bánh, thấy người vào gửi xe thì bám theo và gợi ý mua vé giúp. Có mặt ở ga buổi sáng một ngày cuối năm, chúng tôi đếm được “cò” Hà làm quen được khoảng 10 người, phân nửa số đó đã đặt cọc trước. Có người cũng thắc mắc hỏi, nếu không có vé thì sao, “cò” Hà nói như đinh đóng cột: “Cô làm ở đây 5-6 năm rồi, chưa khi nào để xảy ra chuyện đó”.
Một chủ quán nước gần khu vực ga này cho biết, mỗi năm “cò” vé có hai đợt làm ăn lớn. Đợt tháng 9-10, lúc mọi người đưa con em đi thi đại học và những ngày gần tết. Một số “cò” nói rằng, làm nghề này không giàu được nhưng cũng ấm túi, đầu năm cũng ngồi “sòng” được vài ngày. Những “cò” đang hoạt động ở ga đa phần gặp trực tiếp người mua vé để thỏa thuận giá cả nhằm hưởng chênh lệch. Ngoài ra, còn có một vài “cò” biết truy cập mạng internet nên kiếm khá bộn, bằng cách đặt vé qua mạng. Ai có nhu cầu sẽ được các “cò” chỉ dẫn cặn kẽ, một số còn rao trên mạng cần bán vé tàu tết, kèm theo số điện thoại, địa chỉ email để người khác dễ liên lạc.
* Coi chừng tiền mất tật mang
Chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều lần các “cò” vé dễ dàng qua mặt những người dân cả tin. Một phụ nữ được “cò” chèo kéo vào quán nước, hai bên trao đổi khá thẳng thắn:
- Chị đi Bỉm Sơn à? Nếu từ ngày 26 âm lịch thì em đảm bảo sẽ có vé ngay.
- Tàu có vào ga Bỉm Sơn không?
- Tất nhiên rồi, chỉ cần đưa trước cho em 300 ngàn đồng và chứng minh nhân dân photo. Khoảng 5-6 ngày nữa em sẽ gọi lại, chị mang thêm 1,1 triệu đồng nữa là đủ.
- Năm ngoái, tui mua chưa tới 1 triệu mà, nay tăng giá hả?
- Giờ làm gì có giá đó. Vé này tụi em phải đặt tàu SE6, bây giờ nhà ga buộc phải mua suốt tuyến ra tận Hà Nội. Chị chỉ tới Thanh Hóa thì đoạn còn lại để ai đi?
Khi chúng tôi xác minh lại thì ga Biên Hòa vẫn bán vé theo chặng. Trong khi đó, tàu SE6 không hề dừng lại ở ga Bỉm Sơn như tay “cò” kia nói, mà chỉ dừng ở ga Thanh Hóa. Nếu nghe theo lời “cò”, chắc chắn khách hàng phải tốn thêm tiền đi từ TP.Thanh Hóa ra Bỉm Sơn.
Ngồi trong quán nước, tôi được anh Trần Văn Hà, công nhân Công ty Pouchen kể lại, năm ngoái vì tin theo lời “cò” nên anh lỡ chuyến tàu về Quảng Ngãi. Vé mà “cò” bán, xuất phát ở ga Sài Gòn nhưng khi đưa cho anh Hà không hề nói phải lên ga Sài Gòn đón tàu. Đợi quá lâu, anh Hà hỏi nhân viên nhà ga thì mới biết tàu không dừng ở ga Biên Hòa. Báo hại anh Hà, mất gần triệu 1 đồng nhưng vẫn phải đón xe khách về quê.
Trao đổi về vấn đề “cò” vé, ông Nguyễn Đình Ân, Trưởng ga Biên Hòa cho biết, tình trạng “cò” vé tàu tết năm nào cũng có. Tuy nhiên, số lượng không nhiều và hoạt động không rầm rộ như ở ga Sài Gòn. “Cò” ở đây phần lớn dùng cách mượn chứng minh nhân dân của người mua để đăng ký và sau đó lấy tiền công. Một số đối tượng tận dụng internet để đặt vé qua mạng nên có được một lượng vé đem bán chợ đen. “Thời gian qua, chúng tôi tiến hành phối hợp với công an 3 phường: Trung Dũng, Quyết Thắng và Thống Nhất kiên quyết không cho những đối tượng này “hành nghề” trong phạm vi sân ga và quầy vé. Riêng khu vực ngoài cổng thì khó kiểm soát được” - ông Ân nói.
Theo ông Ân, khách hàng cần lưu ý đến những thông báo của ga. Để tránh bị thiệt thòi khi mua vé từ “cò”, hành khách nên trực tiếp mua vé tại quầy, vì hiện nay đã xuất hiện tình trạng vé giả. Ngoài ra, điều hành khách không thể bỏ qua là số chứng minh nhân dân của người đi tàu phải trùng với số ghi trên vé, đây là điều bắt buộc thì vé mới có giá trị. Điều này còn đảm bảo cho hành khách nếu không may gặp phải chuyện ngoài ý muốn, họ sẽ được chi trả tiền bảo hiểm. Một điểm nữa hành khách phải để ý, chỉ có các tàu mang số hiệu: SE2, SE6, SE8, TN18 là dừng lại ở ga Biên Hòa. Đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười khi người mua vé từ “cò” không quan tâm đến nơi đón khách là ở ga Sài Gòn hay Biên Hòa...
Minh Đăng