Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỏi - đáp về chi trả dịch vụ môi trường rừng

09:12, 25/12/2012

Quyền hạn, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và bên cung ứng DVMTR như thế nào?

Một góc rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Một góc rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Hỏi: Quyền hạn, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và bên cung ứng DVMTR như thế nào?

Trả lời: Theo điều 19 Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR tại Việt Nam thì quyền hạn của bên sử dụng DVMTR quy định như sau: Được cơ quan nhà nước về lâm nghiệp có thẩm quyền thông báo tình hình bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi các khu rừng có cung ứng DVMTR. Bên cạnh đó, được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thông báo kết quả chi trả tiền DVMTR đến các chủ rừng; được tham gia vào việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên phạm vi các khu rừng có cung ứng DVMTR. Ngoài ra, còn được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc điều chỉnh tiền chi trả DVMTR trong trường hợp bên cung ứng DVMTR không đảm bảo đúng diện tích rừng hoặc làm suy giảm chất lượng rừng mà bên sử dụng dịch vụ đã thanh toán số tiền tương ứng. Về nghĩa vụ, bên sử dụng DVMTR tự kê khai số tiền DVMTR phải chi trả ủy thác vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện việc chi trả tiền DVMTR đầy đủ và đúng hạn theo hợp đồng cho chủ rừng hoặc cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với bên cung ứng DVMTR, tại điều 20 Nghị định 99/2010/NĐ-CP nêu rõ: Bên cung ứng DVMTR có quyền được yêu cầu người sử dụng DVMTR hoặc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chi trả tiền sử dụng DVMTR theo quy định tại nghị định này; được cung cấp thông tin về các giá trị DVMTR; được tham gia vào việc kiểm tra hồ sơ của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chi trả DVMTR. Mặt khác, khi thực hiện nghĩa vụ, chủ rừng phải đảm bảo diện tích rừng cung ứng được bảo vệ và phát triển theo đúng chức năng trong quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hộ nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài phải đảm bảo diện tích rừng cung ứng dịch vụ được bảo vệ và phát triển theo đúng hợp đồng đã ký kết với chủ rừng; không được phá rừng hoặc chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép…

Tin xem nhiều