Nhiều bạn đọc phản ảnh một số hộ giết mổ gà tại tổ 18, KP4, phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) thường xuyên nhập những loại gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó, nhiều con đã chết, nhưng vẫn được giết mổ và tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Nhiều bạn đọc phản ảnh một số hộ giết mổ gà tại tổ 18, KP4, phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) thường xuyên nhập những loại gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó, nhiều con đã chết, nhưng vẫn được giết mổ và tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Trong vai một người đi mua thịt gia cầm làm sẵn, chúng tôi đã tiếp cận một số gia đình chuyên giết mổ gia cầm nơi đây.
* Sống, chết đều thịt
Nằm trong một con đường nhỏ cách đường Nguyễn Ái Quốc khoảng 1 km, tổ 18, KP4, phường Trảng Dài, là địa điểm tập trung chuyên giết mổ gà của nhiều gia đình. Bà V; chủ một cơ sở giết mổ đon đả chào mời khách hàng: “Gà ở đây là lựa trong đàn ra. Đảm bảo với anh không có loại thịt dỏm hay kém chất lượng đâu”. Để chứng minh cho lời mình nói, bà V. chắc giá mỗi ký gà bọng (tức gà chỉ có thịt, không có bộ lòng) là 53 ngàn đồng (tương đương với giá thị trường) và không thể giảm giá hơn. Bà V. nói: “Hàng ngon nên lấy giá cao, nếu thấp thì không có lời”.
Thịt gà được đưa đến chợ Sặt tiêu thụ ngay trong đêm. |
Tuy nhiên, sự thật không hoàn toàn vậy. Cơ sở của bà V. từ 2 - 4 giờ sáng mỗi ngày tiến hành giết mổ gia cầm từ nơi khác nhập về, sau đó đưa ra các chợ đầu mối tiêu thụ. Lúc 1 giờ 30 ngày 30-12-2011, tại nhà bà V., chúng tôi phát hiện một chiếc xe máy chở đầy hai sọt gà từ ngoài đường chạy vào. Những con gà trong sọt này chỉ có một vài con cử động hay phát ra tiếng kêu. Còn lại tất cả chúng đã chết và được chất đè lên nhau. Một người làm công nhanh chóng mở cửa mang hai sọt gà vào. Ước chừng có khoảng 200 con gà chết đã được nhập vào nhà bà V.
Khoảng hơn 2 giờ rưỡi sau, một người đàn ông chạy chiếc xe máy từ trong nhà phóng ra chở theo một thùng nhựa. Bám theo người này, chúng tôi phát hiện địa điểm nhận hàng là chợ Sặt, phường Tân Biên. Tại đây, có một người nhận hết số gia cầm của nhà bà V. và bày bán ở chợ này. Không chỉ bỏ mối cho chợ Sặt, bà V. còn cho biết khách của mình nhiều nhất là các quán cơm và các cửa hàng ăn uống khác.
* Không dễ phát hiện
Với quy trình giết mổ về đêm và giao hàng lúc rạng sáng, nên rất khó nhận biết những chiêu thức mà bà V. cũng như các hộ chuyên giết mổ gà ở đây sử dụng. Khu vực giết mổ được che chắn cẩn thận, người ngoài không thể nào lọt vào được để quan sát. Nếu là người ngoài, thì bà V. tiếp ở phòng khách.
Cơ sở của bà V. luôn có sẵn một chiếc tủ lạnh để khi gà vừa thịt xong sẽ đem cho ngay vào tủ đông lạnh 20 phút trước khi đem giao cho khách. Khi đó, thịt gà sẽ trở nên săn chắc và có màu tươi trông không khác gì so với gà loại 1 (gà sống làm thịt). Tủ lạnh này còn là nơi đông lạnh thịt để khi khách có nhu cầu thì bà luôn có sẵn hàng “tươi” để cung cấp.
Trên thực tế, thịt gà mà bà V. cung cấp cho thị trường là từ những gà loại 2 (gà chết làm thịt) trộn lẫn trong gà loại 1 và tuồn ra thị trường. Mỗi đêm, cơ sở bà V. xuất đi khoảng 500kg gà đã làm thịt và trong đó không ít chúng đã được làm từ những con gà chết không rõ nguồn gốc.
Chúng tôi đến nhà bà H. gà, một cơ sở giết mổ gà khác cách nhà bà V. chừng 100m. Thấy chúng tôi muốn mua giá rẻ, bà H. bèn ngon ngọt: “Gà loại 1 hay loại 2 gì thì nấu lên không thể biết được. Chú muốn giá rẻ thì chỗ tôi sẽ giảm được 2 giá (2 ngàn đồng) mỗi ký. Nếu mỗi lần lấy 100 con thì giá còn hạ nữa”. Như vậy, mỗi ký gà bây giờ hạ xuống còn 51 ngàn đồng. “Không sợ người ăn phát hiện ra sao?” - chúng tôi hỏi. Bà H. trả lời: “Chỉ khi nào thấy gà sống hay gà chết thì họ mới biết, còn không thì chú đừng lo”.
Một con gà nếu mua khi còn sống thì có giá khoảng 50 ngàn. Tuy nhiên, nếu chúng đã chết thì giá chỉ còn chừng 35-40 ngàn đồng/kg. Với kiểu bán trộn chung như vậy, thì tất cả thịt đều trở thành hàng loại 1 và những hộ giết mổ gà như bà V. và bà H. bỏ túi một số tiền không nhỏ mỗi ngày.
Minh Trung