Báo Đồng Nai điện tử
En

Người tiêu dùng lo ngại về chất lượng của loại sirô rẻ tiền

09:01, 02/01/2012

Một chai sirô 600ml giá chỉ có 5.000-7.000 đồng, lại không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng ... đang được bày bán phổ biến ở một số vùng nông thôn, và người sử dụng chủ yếu là các em học sinh.

Sirô Kim Hòa được bày bán ở quán nước đối diện Trường tiểu học Thái Hiệp Thành.
Sirô Kim Hòa được bày bán ở quán nước đối diện Trường tiểu học Thái Hiệp Thành.

Một chai sirô 600ml giá chỉ có 5.000-7.000 đồng, lại không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng ... đang được bày bán phổ biến ở một số vùng nông thôn, và người sử dụng chủ yếu là các em học sinh.

* Sirô rẻ tiền, chủ yếu bán cho học sinh!

Chị M. ở ấp 5, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành kể, vào ngày 26-12-2011, con của chị đã mua 1 chai sirô về nhà uống. Chị đã không khỏi bất ngờ khi thấy chai sirô 600ml mang nhãn hiệu Kim Hòa, có cơ sở sản xuất ở ấp Ninh Đức, xã Ninh Thạnh, TX.Tây Ninh giá chỉ có 7.000 đồng. Thế nhưng, khi quan sát kỹ, chị M. thấy vỏ chai sần sùi, cũ kỹ; nắp chai là nắp bia Sài Gòn đã được sơn lại; phía trong và ngoài nắp chai đều bị gỉ sét, ố vàng. Nước sirô nho thì có màu tím sẫm; khi đổ ra rất lỏng, có mùi như mùi mực viết. Chị M. tìm kiếm mãi vẫn không thấy ngày sản xuất và hạn sử dụng. Do không an tâm về chất lượng sản phẩm nên chị không cho con uống.

Theo một phụ nữ bán nước giải khát đối diện cổng Trường tiểu học Thái Hiệp Thành (xã Bàu Cạn), loại sirô này chủ yếu bán cho học sinh với giá từ 1.000-3.000 đồng. Loại sirô này rất ngọt, để sirô ngon, bà phải cho thêm đá và chanh vào. Mỗi chai sirô, bà có thể chiết ra hơn 10 bịch. Loại sirô bán chạy nhất là sirô cam và dâu. Trên quầy bán hàng của bà, chúng tôi thấy có 3 chai sirô đều đã vơi đi một nửa và chỉ đóng nắp hờ nên khó biết được các chai này đã được khui ra từ lúc nào.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số cửa hàng tạp hóa ở xã Bàu Cạn, Long Phước (huyện Long Thành), phần lớn chỉ bày bán sirô nhãn hiệu Kim Hòa với nhiều loại: nho, cam, dâu, vải, tăng lực… với giá 6.500-7.000 đồng/chai. Hầu hết các chai sirô tại các tiệm tạp hóa ở đây đều bị bụi bám bẩn; nhãn mác bị phai màu nên rất khó để xem được hạn sử dụng, ngày sản xuất. Nhiều chai sắp hết hạn sử dụng vì được sản xuất từ các tháng đầu năm 2010 (hạn sử dụng 12 tháng). Một số chủ tiệm tạp hóa ở chợ Bàu Cạn cho biết: trước đây loại sirô này bán rất chạy; hiện nay, sản phẩm này tiêu thụ chậm hơn, chủ yếu bán cho các quán nước để bán cho học sinh ở các trường học do giá rẻ. Ở vùng nông thôn, nếu bán loại sirô đắt tiền sẽ không bán được vì không có người mua.

* Chất lượng ra sao?

Chai sirô nho nhãn hiệu Kim Hòa không có ngày sản xuất và hạn sử dụng do chị M. cung cấp.
Chai sirô nho nhãn hiệu Kim Hòa không có ngày sản xuất và hạn sử dụng do chị M. cung cấp.

Từ số điện thoại ghi trên nhãn hiệu chai sirô Kim Hòa, chúng tôi đã liên lạc với cơ sở sản xuất,  và một người phụ nữ nghe điện thoại đã xác nhận cơ sở sản xuất này ở Tây Ninh. Cơ sở đồng ý phân phối với giá sỉ là 50 ngàn đồng/xâu (1 xâu có 10 chai). Người phụ nữ này còn khẳng định, các sản phẩm cơ sở này sản xuất đều có ngày sản xuất và hạn sử dụng; nếu trên nhãn không có là do bị phai màu. Khi chúng tôi hỏi về thành phần của sirô thì họ không nói rõ mà chỉ trả lời: “Thành phần và hạn sử dụng coi trong nhãn mác thì biết”. Trong khi trên nhãn mác của một số chai sirô Kim Hòa thì thành phần gồm: đường cát, màu đỏ, nước, hương sirô, chất bảo quản; còn tỷ lệ các chất này bao nhiêu thì người tiêu dùng không thể biết được.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số cửa hàng bán tạp hóa ở TP.Biên Hòa, thì phần lớn chỉ bán loại sirô của các thương hiệu khác có giá từ 23-45 ngàn đồng/chai. Một chủ tiệm tạp hóa ở chợ Tam Hòa cho biết: “Bây giờ đường cát đã hơn 22 ngàn đồng/kg rồi thì làm gì có loại sirô chỉ có 5.000-7.000 đồng/chai có vị ngọt từ đường cát...”. Còn chị M. ở xã Bàu Cạn thì không khỏi lo lắng: “Sirô nhãn hiệu Kim Hòa đang được bày bán tràn lan tại các tiệm tạp hóa và quán nước gần trường học ở xã Bàu Cạn, mà người sử dụng chủ yếu là các em học sinh. Tôi rất lo ngại về chất lượng của loại sirô này ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Vì vậy,  rất mong các ngành chức năng vào cuộc để kiểm tra chất lượng và sớm có khuyến cáo đến người tiêu dùng”.

Ông Lê Xuân Trường, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, về chất lượng sản phẩm thì cần phải thử nghiệm để xem có đạt theo tiêu chuẩn cho phép hay không, trong đó quan trọng nhất là chỉ tiêu về vi sinh và an toàn thực phẩm thực tế có đúng quy định hay không. Những sản phẩm rẻ tiền, có màu sắc sặc sỡ thì cần kiểm tra xem có chất phụ gia ngoài quy định, như: màu, chất bảo quản, đường hóa học hay không.

Tiêu hủy sirô có chứa đường hóa học

Chiều 5-2-2010, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Tây Ninh đã đến kiểm tra tại cơ sở sản xuất nước giải khát sirô Kim Hòa (ấp Ninh Đức, xã Ninh Thạnh, TX Tây Ninh). Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại cơ sở có đến 15kg đường hóa học Cyclamate (loại đường cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm), khoảng 16kg bột trắng loại hạt lớn và nhỏ không thể xác định tên và nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở Kim Hòa thừa nhận đã sử dụng đường hóa học Cyclamate trong sản xuất các loại sirô dâu và cam. Lực lượng kiểm tra liên ngành đã niêm phong 1.452 chai sirô dâu và cam tại cơ sở và yêu cầu cơ sở phải tiến hành tiêu hủy sản phẩm theo quy định.       (Theo Tây Ninh online)

Đặng Ngọc

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều