Cứ năm hết, Tết đến, không ít gia đình gặp rắc rối khi đưa ra quyết định về quê nội hay quê ngoại đón Tết. Bởi do ý chí của chồng, vợ và con khác nhau nên việc lựa chọn về quê ăn Tết không thống nhất được, có thể dẫn tới xích mích, xung đột.
Các luật gia Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) ngày 6-12. Ảnh minh họa: Đ. Phú |
Đón Tết ở đâu?
Xã hội, gia đình hiện đại, tiến bộ, văn minh luôn xem trọng, đề cao ý chí cá nhân của từng thành viên trong gia đình trước mọi vấn đề cần bàn và đi đến quyết định, thống nhất. Chính điều này nên mỗi dịp Xuân về, Tết đến nhiều gia đình gặp phải một số trục trặc khi đưa ra phương án về quê nội hay ngoại đón Tết.
Bà Hồ Thị Xuân (ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) bày tỏ, quê bà ở miền Tây, quê chồng ở miền Trung. Vài năm về trước, khi kinh tế của vợ chồng tương đối khá giả và các con còn nhỏ, thì chuyện về quê nội hay ngoại dịp Tết, vợ chồng bà dễ dàng thống nhất.
“Năm nào cả gia đình về quê nội, thì trước hoặc sau Tết đều cử người về thăm quê ngoại. Năm nay điều kiện kinh tế không cho phép, tôi thì muốn về ngoại, chồng tôi thì muốn về nội đón Tết. Vậy chồng tôi, hoặc tôi được quyền bắt buộc người khác về quê theo ý của mình không?”- bà Xuân thắc mắc.
Tương tự, bà Vũ Thị Hiền (ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) hỏi: “Vì không hòa hợp với gia đình chồng, tôi rất ngại theo chồng về quê nghỉ Tết dài ngày. Do đó, cứ mỗi lần chồng bắt tôi phải cùng anh về quê ăn Tết là tôi thoái thác, dẫn đến vợ chồng chửi, đánh nhau, đòi ly hôn. Việc chồng ép tôi phải về quê ăn Tết như vậy có được không?”.
Hay như trường hợp của em H.V.T. (16 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, do cha mẹ ly hôn nên em ở với mẹ. Năm nào tới Tết cha của em cũng đề nghị em phải cùng cha về quê thăm ông bà nội để kết nối tình thân. Bản thân em thì muốn ăn Tết cùng mẹ. “Nếu em không nghe lời cha về ăn Tết với ông bà nội thì cha nổi giận, dọa bỏ rơi, không tiếp tục chu cấp tiền cho em ăn học. Hành động này của cha em có đúng hay không?” - em T. thắc mắc.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (cử nhân tâm lý, ngụ thành phố Biên Hòa) cho rằng, nếu vợ chồng, con cái không có điều kiện về quê cùng lúc thì có thể chia nhau về thăm nội, ngoại theo mong muốn của từng thành viên. Hoặc vợ chồng thấy chưa cần thiết, cấp bách phải về thì có thể hẹn dịp khác sẽ chu toàn. Hạnh phúc nơi gia đình nhỏ của mình cần phải chu toàn xong, rồi mới tính tới gia đình lớn. Một khi gia đình nhỏ hạnh phúc, cùng ý chí thì mọi việc sẽ suôn sẻ khi quyết định mọi vấn đề.
Cùng ngồi lại để bàn bạc, thống nhất
Với góc nhìn pháp lý, luật gia Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, hành vi cưỡng ép các thành viên trong gia đình làm hoặc không được làm những điều chính đáng, hợp pháp cũng là bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Chẳng hạn như: vợ hoặc chồng có hành vi ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Trên cơ sở đó, luật gia Chu Văn Hiển lý giải, với trường hợp của bà Hồ Thị Xuân, bà Vũ Thị Hiền, em H.V.T. thì pháp luật ngăn cấm vợ, chồng, cha, mẹ có hành vi cưỡng ép nhau, cưỡng ép con về quê, hay có hành vi ngăn cản nhau về thăm ông, bà. Việc vợ, chồng, con cái không đồng ý cùng nhau về quê, thăm ông bà đó là quyền và quyền này thể hiện qua ý chí không muốn về của họ nên các thành viên khác phải tôn trọng, không được lấy lý do hôn nhân, vật chất ra cưỡng ép, đe dọa.
Cũng theo luật gia Chu Văn Hiển, tại Nghị định 114/2021/NĐ-CP ngày 31-12 -2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định, phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi: lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (khoản 1, Điều 54); ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu (Điều 56); từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật (điểm b khoản 1, Điều 57).
Với góc nhìn tâm lý, ông Nguyễn Văn Cảnh (cử nhân tâm lý, ngụ thành phố Biên Hòa) cho rằng, để duy trì mối quan hệ gia đình, dòng họ tốt đẹp, hài hòa thì vợ chồng, con cái cần tiếp tục ngồi lại để bàn bạc, thống nhất trên tinh thần cảm thông, thấu hiểu lý do, vấn đề khó xử của từng người. Bởi vì, đi đâu hay ở lại, phải cần có ý kiến thống nhất của các thành viên trong nhà. Cho dù, ngày xuân cha mẹ bên nội, ngoại ai cũng mong muốn con cháu đoàn tụ, quây quần, nhưng sự hội tụ đông đủ đó phải xuất phát từ nhu cầu tình cảm của mỗi thành viên, nhằm tạo không khí vui tươi, hạnh phúc, chứ không phải là sự gượng ép, bất hòa, xung đột, đổ vỡ.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin