Luật Công chứng năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, gồm có 8 chương, 76 điều. So với Luật Công chứng năm 2014 thì Luật Công chứng năm 2024 giảm 2 chương và 5 điều, với nhiều quy định mới và được dư luận quan tâm.
Người dân giao dịch tại một tổ chức hành nghề công chứng ở huyện Long Thành. Ảnh tư liệu có tính minh họa: Đ.PHÚ |
Giới hạn độ tuổi được bổ nhiệm công chứng viên
Luật Công chứng năm 2024 có quy định, một trong các tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi; có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật (khoản 1 và khoản 4, Điều 10). Đây là quy định rất mới so với tiêu chuẩn công chứng viên tại Điều 8 Luật Công chứng năm 2014. Luật Công chứng năm 2024 có giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên không quá 70, còn Luật Công chứng năm 2014 thì không giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên đối với người đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, miễn sao người được đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đảm bảo đủ sức khỏe.
Luật Công chứng năm 2024 và Luật Công chứng năm 2014 đều giữ quan điểm nghiêm cấm hành vi quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng. |
Theo các cơ quan xây dựng luật, việc giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo sức khỏe để đảm nhiệm công việc, bởi công chứng viên không phải nghề kinh doanh tự do, mà là dịch vụ công được Nhà nước ủy nhiệm. Đồng thời, công việc công chứng yêu cầu cao về tính xác thực hợp đồng giao dịch, do đó đòi hỏi năng lực trí tuệ, trí lực, công chứng viên cần đảm bảo điều kiện về sức khỏe và sự minh mẫn.
Theo Bộ Tư pháp, tại khoản 3 và 5, Điều 76 Luật Công chứng năm 2024 có quy định, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên được nộp theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 mà đến ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật Công chứng năm 2014.
Đồng thời, Luật Công chứng năm 2024 có quy định, công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ đủ 68 tuổi đến đủ 70 tuổi tại ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm.
Cũng theo Bộ Tư pháp, Luật Công chứng năm 2024 vẫn còn “mở cánh cửa” bổ nhiệm công chứng viên lần đầu đối với người đủ và quá 70 tuổi chưa được bổ nhiệm công chứng viên, nhưng họ chỉ được làm công chứng viên với điều kiện thêm 2 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm và phải thuộc trường hợp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của họ được nộp theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 mà đến ngày Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong.
Khoản 3, Điều 35 Luật Công chứng năm 2024 quy định về quyền của tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có quyền được cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
Nhiều quy định mới đáng chú ý
Ngoài quy định mới nêu trên, Luật Công chứng năm 2024 bổ sung thêm một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên. Cụ thể, tại Điều 14 Luật Công chứng năm 2024 quy định các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên như: quá 70 tuổi; làm việc theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan, tổ chức khác hoặc tham gia công việc mà thường xuyên phải làm việc trong giờ hành chính; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đồng thời, tại điều 16 Luật Công chứng năm 2024 có bổ sung rất nhiều trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên so với Luật Công chứng năm 2014. Chẳng hạn, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi; bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 lần trở lên về hoạt động hành nghề công chứng trong thời hạn 12 tháng; hành nghề công chứng khi chưa đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng; bị xử lý kỷ luật từ 2 lần trở lên trong thời hạn 12 tháng hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc.
Bên cạnh đó, Luật Công chứng năm 2024 còn quy định một số điểm mới khác như: tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên đối với người có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật là có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức (khoản 4, Điều 10). Rút ngắn thời gian đào tạo nghề công chứng còn 6 tháng đối với giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật; người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án; chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng I; thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật (khoản 3, Điều 11). Không được hợp danh vào văn phòng khác, lập văn phòng mới trong 2 năm kể từ khi rút hợp danh (khoản 6, Điều 27). Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (khoản 4, Điều 64)....
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin