Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa vợ chồng trẻ ly hôn: Cần tăng cường kỹ năng sống

Tố Tâm
09:00, 21/12/2024

Theo đánh giá của ngành tòa án, trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn diễn ra rất phổ biến và ngày một gia tăng, trong đó phần lớn là giới trẻ. Nguyên nhân được xác định là do quá trình sống chung, vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn vì khác biệt lối sống, vấn đề tài chính, bạo lực gia đình…

Thư ký Tòa án nhân dân tỉnh tiếp thụ lý đơn của một phụ nữ nộp đơn ly hôn. Ảnh: T.Tâm

Tuy nhiên, sau ly hôn, nhiều người phải chịu tổn thương về mặt tinh thần, các tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến người thân và có thể để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra, nhất là đối với con trẻ.

Nhiều hệ lụy

Theo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, tình trạng ly hôn diễn ra ở người trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi hôn nhân. Trong đó có những cuộc hôn nhân yêu sớm, cưới vội và chóng vánh chia tay chỉ sau khi kết hôn chưa đầy năm.

Đơn cử, vào tháng 10-2024, TAND huyện Trảng Bom giải quyết ly hôn cho vợ chồng chị A.S. (21 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) và anh L.T. (23 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) chỉ sau 9 tháng kết hôn.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, riêng án ly hôn thì TAND 2 cấp ở Đồng Nai đã giải quyết, xét xử gần 8,9 ngàn vụ/gần 10,5 ngàn vụ thụ lý.

Chị S. cho biết, chị và chồng có tìm hiểu nhau 11 tháng và tiến tới hôn nhân. Sau một thời gian về sống chung, vợ chồng chị thường xảy ra mâu thuẫn do anh T. liên tục nhậu nhẹt say xỉn, mất kiểm soát hành vi và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị S. Đến cuối năm 2023, do mâu thuẫn trầm trọng nên chị làm đơn ly hôn.

Theo chị S., dù là người chủ động đề nghị ly hôn nhưng chị cũng đã chịu rất nhiều tổn thương và cú sốc về mặt tinh thần. Mặt khác, gia đình, cha mẹ của chị cũng bị ảnh hưởng, khiến chị phải sống thu mình trong một thời gian dài.

Tương tự, có một số trường hợp sau khi ly hôn đã xảy ra tranh chấp (tranh chấp con cái, tranh chấp tài sản…) khiến cho cuộc sống đôi bên vướng phải những vấn đề pháp lý kéo dài. Đơn cử như câu chuyện hôn nhân của bà N.N. (44 tuổi) và ông L.M. (48 tuổi), cùng ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa.

Theo lời bà N., vào năm 2017, do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên bà và chồng xin ly hôn tại TAND thành phố Biên Hòa. Sau khi được giải quyết ly hôn, ông M. được quản lý căn nhà đang ở tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), còn bà được nuôi 3 con nhỏ và ông M. phải chu cấp cho các con 4 triệu đồng/tháng.

Sau ly hôn, giữa 2 người tiếp tục mâu thuẫn nên bà N. đã làm đơn yêu cầu phân chia tài sản. Theo bà N., căn nhà ông M. đang sống là tài sản chung của vợ chồng, trong khi mẹ con bà phải đi ở trọ từ năm 2017 đến nay. Do ông M. không chu cấp hàng tháng như thỏa thuận sau ly hôn nên bà khởi kiện tại tòa yêu cầu ông M. chia một nửa tài sản cho các con bà với số tiền 200 triệu đồng. Còn ông M. chỉ đồng ý trả số tiền hơn 70 triệu đồng.

Tại phiên tòa xét xử vào tháng 10-2024, sau khi xem xét lời trình bày và vấn đề pháp lý của vụ việc, TAND thành phố Biên Hòa đã tuyên buộc ông M. được nhận căn nhà đang ở và phải thanh toán lại số tiền hơn 130 triệu đồng cho bà N.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều vợ, chồng sau ly hôn đã bỏ mặc con không chăm lo, giáo dục khiến con sớm hư hỏng và rơi vào vòng xoáy tù tội khi tuổi đời còn rất trẻ.

“Ly hôn không chỉ khiến người trong cuộc tổn thương, mà còn để lại nhiều hệ lụy rất lớn cho những người xung quanh, nhất là con trẻ. Sau một số vụ ly hôn, con trẻ bị bỏ rơi, không được chăm sóc và quan tâm, giáo dục đúng mức đã hình thành nên nhân cách lệch lạc, dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội” - bà Nguyễn Thị Chi cho hay.

Để xây dựng hôn nhân bền vững

Theo một thẩm phán TAND tỉnh, án ly hôn hiện nay được TAND các cấp thụ lý rất nhiều và điều đáng lo ngại nhất chính là tình trạng ly hôn trẻ. Những người trẻ hiện nay chưa ý thức đủ sự thiêng liêng của một cuộc hôn nhân nên chỉ cần xích mích nhỏ đã kéo nhau ra tòa ly hôn.

Vị thẩm phán này cho hay, khi xã hội ngày càng phát triển, người trẻ thường yêu nhau chủ yếu qua mạng xã hội mà ít có thời gian tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp, thậm chí cưới để “chạy bầu’’. Điều này khiến cho đôi bên không hiểu rõ tính tình và lối sống của nhau. Để đến khi về sống chung dễ xảy ra những mâu thuẫn, xích mích trong cuộc sống. Hơn nữa, giới trẻ cũng thiếu kỹ năng sống, thiếu tính kiên nhẫn, sự thông cảm, sẻ chia và thấu hiểu nhau; không đủ bản lĩnh và kỹ năng giải quyết khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra.

Theo Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh Nguyễn Thị Chi, việc phát sinh mâu thuẫn trong gia đình cũng một phần do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thiếu thốn tiền bạc; mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con. Mặt khác, một số cặp vợ chồng ly hôn bởi bạo lực gia đình, vướng vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật hoặc kết hôn với người nước ngoài… Do đó, theo bà Chi, để kéo giảm tình trạng ly hôn hiện nay, việc cốt lõi và quan trọng nhất là về mặt giáo dục. Trong gia đình, cha mẹ phải hướng dẫn cho con kỹ năng ứng xử khi vợ chồng sống chung; giúp con thấy rõ được những khó khăn, mâu thuẫn khi bước vào cuộc sống hôn nhân và hướng xử lý, cách giải quyết. Cha mẹ cũng cần giáo dục con cái khi bước vào hôn nhân phải biết nhường nhịn, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi việc. Đối với nhà trường cũng cần đưa các kỹ năng sống và chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp văn hóa của người Việt Nam; tập huấn các kỹ năng theo từng giới để giúp người trẻ chuẩn bị tốt về mọi mặt trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.

“Gia đình và nhà trường cần giúp con trẻ có thêm kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, khả năng kiềm chế cái tôi, cảm xúc tiêu cực của bản thân và học cách thích nghi với cuộc sống hôn nhân, nhất là trong 5 năm đầu sống chung với nhau” - bà Chi cho hay.

Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình thông qua nhiều kênh khác nhau để nâng cao nhận thức cho người dân, hướng tới xây dựng hôn nhân và gia đình bền vững.

Tố Tâm

Tin xem nhiều