Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện giữa người thuê trọ với chủ nhà cuối năm

Đoàn Phú
08:32, 30/12/2024

Cuối năm thường xảy ra một số phát sinh tranh chấp giữa người thuê trọ và chủ nhà liên quan đến việc tăng giá phòng trọ, sửa chữa phòng trọ, đòi lại tiền đặt cọc… Vấn đề này một khi các bên không tìm được tiếng nói chung thì rất dễ dẫn tới xung đột, tranh chấp.

Một người ở trọ (phải) tại phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) cuối năm đi tìm nhà trọ mới vì chủ nhà trọ cũ yêu cầu tăng giá thuê trong năm 2025.
Một người ở trọ (phải) tại phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) cuối năm đi tìm nhà trọ mới vì chủ nhà trọ cũ yêu cầu tăng giá thuê trong năm 2025. Ảnh: Đ.Phú

Phát sinh tranh chấp do đâu?

Những ngày này, chị P.T.M. (quê tỉnh Bình Thuận, tạm trú tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) vất vả đi tìm nơi trọ mới phù hợp với thu nhập thấp của mình. Chị M. cho biết, cuối năm 2023, khi bước vào thuê trọ, chị được chủ nhà hiện nay yêu cầu đặt cọc trước 1,5 triệu đồng. Số tiền này khi hết hợp đồng thuê (trong vòng 1 năm) sẽ được chủ nhà trả lại hoặc dùng thanh toán vào tiền thuê trọ của tháng cuối khi kết thúc hợp đồng.

Khoản 4, Điều 172 Luật Nhà ở năm 2023 quy định, bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; trường hợp vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 172 mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Do cuối tháng 12-2024 hợp đồng thuê nhà trọ hết hạn, chị P.T.M. yêu cầu chủ nhà dùng số tiền cọc đó thanh toán vào tiền thuê trọ tháng 12 và khi 2 bên ký lại hợp đồng thuê mới, chị sẽ bắt đầu thanh toán tiền thuê vào cuối tháng 1-2025. Tuy nhiên, chủ nhà trọ không đồng ý cho rằng, chị còn tiếp tục ở trọ là tiền cọc sẽ được chủ nhà giữ lại, chỉ khi nào chị không ở nữa thì mới trả lại tiền cọc hoặc dùng tiền cọc thanh toán cho tháng thuê trọ cuối cùng. Chị P.T.M. thắc mắc cách hành xử của chủ nhà như vậy có đúng không?

Còn ông H.V.L. (tạm trú phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) cho biết, khi về thuê trọ, vợ chồng chủ nhà đồng ý cho tôi thay cửa kính, làm gác, thiết kế lại hệ thống điện… Tuy nhiên, nay trả phòng, ông H.V.L. muốn tháo và thu hồi những gì đã bỏ tiền ra đầu tư nhưng bị chủ nhà ngăn cản cho rằng, ông làm vậy là hủy hoại tài sản và họ sẽ báo chính quyền can thiệp.

“Vậy tôi có quyền yêu cầu chủ trọ thanh toán lại những gì tôi đã đầu tư vào phòng trọ hoặc tháo gỡ mang đi mà không vi phạm pháp luật ?”- ông H.V.L. thắc mắc.

Căn cứ vào hợp đồng thuê nhà

Với các trường hợp vướng mắc trên, theo luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư tỉnh), thuê nhà trọ cũng như thuê nhà ở riêng để ở là giao dịch dân sự, nên việc thuê và cho thuê đòi hỏi các bên phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về chủ thể (năng lực hành vi), đối tượng cho thuê (nhà, phòng trọ đáp ứng về điều kiện diện tích), hình thức giao dịch (hợp đồng bằng văn bản)… thì hợp đồng mới phát sinh hiệu lực. Một khi hợp đồng thuê và cho thuê giữa các bên phát sinh hiệu lực thì các bên phải thực hiện đúng với những gì đã giao kết, thỏa thuận. Chẳng hạn, trả lại tiền cọc khi hết hợp đồng thuê; thanh toán tiền thuê và điện, nước hàng tháng theo đúng giao kết; người thuê được phép thu hồi hoặc chủ nhà chi trả chi phí đã đầu tư…

Trên tinh thần đó, luật sư Nguyễn Văn Nam giải đáp, việc chị P.T.M. yêu cầu chủ nhà trả lại tiền cọc hoặc dùng tiền cọc này cấn trừ vào tiền thuê trọ trong tháng 12-2024 của chị là hợp lý, đúng với những gì mà chị và chủ nhà trọ giao kết trong hợp đồng khi hợp đồng hết hạn. Cho nên, khi chủ nhà trọ không đáp ứng yêu cầu thì chị có quyền không ký lại hợp đồng thuê mới mà vẫn không bị mất tiền cọc.

Riêng với trường hợp của ông H.V.L., nếu chủ nhà trọ và ông có thỏa thuận về việc đầu tư cái gì thì thu hồi lại cái đó và việc tháo dỡ đó không ảnh hưởng tới thiết kế ban đầu của phòng trọ thì ông không vi phạm pháp luật. Ngược lại, 2 bên không có thỏa thuận, việc đầu tư thêm là tự ý ông làm, hoặc tháo dỡ làm ảnh hưởng tới thiết kế, sự an toàn thì ông phải được sự đồng ý của chủ nhà.

“Để bảo vệ quyền lợi cho mình có 3 cách: ông phải thỏa thuận với chủ nhà về hỗ trợ giá trị công trình đã đầu tư, chỉ tháo dỡ những gì có thể tháo dỡ được. Hoặc nhờ chính quyền hòa giải, hay khởi kiện vụ việc ra tòa án” - luật sư Nguyễn Văn Nam lưu ý.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều