Va chạm giao thông là tình huống xảy ra bất ngờ khi di chuyển trên đường. Vụ việc được giải quyết như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, cách ứng xử của người trong cuộc.
Khi xảy ra va chạm giao thông nên bình tĩnh tìm cách giải quyết. Tranh minh họa: Lê Duy |
Thay vì giữ bình tĩnh và ứng xử đúng cách, nhiều người đã không kiểm soát lời nói, hành vi, khiến sự việc bị đẩy đi quá xa…
Cái kết “đắng” khi hành xử bạo lực
Vụ việc người đàn ông đập vỡ kính, hành hung tài xế ô tô sau va quẹt trên đường Kha Vạn Cân, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội trong tháng 9-2024 là minh chứng cho hành vi thiếu kiểm soát khi va chạm giao thông.
Theo điều tra của cơ quan công an, vụ việc xảy ra vào tối 15-9, ông G. lái ô tô trên đường Kha Vạn Cân đã va chạm với ô tô đi chiều ngược lại, do ông S. cầm lái. Ông G. đã xuống xe chửi bới, đánh ông S. và lấy cây cờ lê trong xe của mình đập phá xe của ông S., mặc cho nạn nhân và vợ van xin. Vụ việc nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và Công an thành phố Thủ Đức đã phải vào cuộc, tiến hành khởi tố ông G. về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ở Đồng Nai, các vụ đánh nhau gây thương tích nặng dẫn đến người bị mất mạng, người vào tù do mâu thuẫn sau va chạm giao thông đã từng xảy ra. Nhiều người dự phiên tòa xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh vào tháng 5-2024 không khỏi tiếc nuối cho sự nông cạn, bồng bột của các bị cáo trong cách hành xử khi va chạm giao thông đã đẩy đến bi kịch cho nhiều người, nhiều gia đình.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Tịnh (24 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) kể lại, khi đang điều khiển xe máy lưu thông đến đoạn đường gần công viên Biên Hùng thì xảy ra va quẹt xe với Châu Tuấn Kiệt (20 tuổi, ngụ cùng phường) và hai bên cãi nhau. Để giải quyết mâu thuẫn, hai bên hẹn đánh nhau tại khu vực gần Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa). Mỗi người rủ theo một nhóm bạn chuẩn bị súng, dao, mã tấu, bom xăng… để giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả, 1 người tử vong, 17 bị cáo phải ngồi tù.
Trước đó, tháng 6-2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Tỉnh (41 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) 13 năm tù về tội giết người. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, do mâu thuẫn về việc va chạm giao thông giữa H.T.B. và L.D.B. (ngụ xã Hố Nai 3) dẫn đến cả 2 đánh nhau. Nhờ có người can ngăn nên cả 2 ra về. Sau đó, D.B. rủ một nhóm đối tượng cầm hung khí đi tìm T.B. để đánh thì bị Tỉnh (anh rể của T.B.) dùng dao rựa phát cỏ chém vào đầu và tay D.B. gây thương tích 73%. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định, D.B. không chết là do được cấp cứu kịp thời nên Tỉnh bị truy tố về tội giết người.
Phó chánh văn phòng, Phụ trách Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Dương Anh Tuấn:
Trong thực tế tham gia giao thông sẽ khó tránh khỏi những tình huống va chạm giao thông có thể xảy ra. Thiết nghĩ, với những vụ va chạm nhỏ, không gây ra thương tích, người điều khiển phương tiện có liên quan có thể trao đổi, thương lượng một cách ổn thỏa và cần ứng xử đúng mực để hạn chế những phát sinh ẩu đả có thể xảy ra sau va chạm. Quan trọng hơn nữa là sau va chạm, phải nhận định được lỗi của mình để từ đó rút kinh nghiệm, chú ý quan sát hơn trong quá trình lưu thông và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình tham gia giao thông.
Cần bình tĩnh, ứng xử văn minh
Từ những vụ việc nêu trên cho thấy, việc thiếu kiềm chế và kiểm soát bản thân của những người trong cuộc khi xảy ra va chạm giao thông đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Theo các chuyên gia pháp luật, duy trì sự bình tĩnh và sáng suốt khi tham gia giao thông và nghiêm chỉnh chấp hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 là chìa khóa để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh. Dù không ai muốn xảy ra va chạm, nếu tình huống đó xảy đến, cách phản ứng khéo léo và thái độ ứng xử văn minh sẽ giúp tránh được những mâu thuẫn không đáng có.
Luật sư Vũ Duy Nam, Đoàn Luật sư tỉnh, khuyến nghị người tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, cẩn trọng để không xảy ra những tình huống va chạm. Với những vụ va chạm không quá nghiêm trọng về người và tài sản, các bên nên thương lượng, thỏa thuận bồi thường để nhanh chóng giải quyết, đồng thời giúp tránh ùn tắc giao thông.
“Không nên dùng những lời lẽ xúc phạm nhau, trường hợp một trong các bên có dấu hiệu không kiềm chế được cảm xúc, có ý định xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng... hoặc vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thì cần giữ nguyên hiện trường và báo với cơ quan công an để can thiệp kịp thời” - luật sư Nam lưu ý.
Thực tế, nhiều vụ xung đột đáng tiếc sau va chạm giao thông thường chỉ khởi nguồn từ việc không kiềm chế được cảm xúc. Vì vậy, người trong cuộc phải biết giữ bình tĩnh, hành xử văn minh và đúng pháp luật sẽ giúp giảm thiểu được các hậu quả nghiêm trọng, góp phần xây dựng hình ảnh giao thông văn minh.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin