Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định mới về bảo vệ tài nguyên nước

Đoàn Phú
08:49, 17/08/2024

Luật Tài nguyên nước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) quy định tài nguyên nước bao gồm: nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Luật có nhiều quy định mới góp phần quản lý, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước một cách bền vững.

Nông dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) khoan giếng tìm kiếm nguồn nước để cải tạo vườn. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Nông dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) khoan giếng tìm kiếm nguồn nước để cải tạo vườn. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Nghiêm cấm lấn, lấp sông, suối, kênh, rạch…

Nguồn nước tự nhiên từ ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch… không chỉ phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, mà còn có giá trị trong việc nuôi trồng thủy sản, giao thông. Ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch tự nhiên… thuộc đất công do Nhà nước quản lý. Việc lấn, chiếm ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch không chỉ vi phạm pháp luật về đất đai, mà còn là hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 8 Luật Tài nguyên nước năm 2023 nghiêm cấm các hành vi: lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục. Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.

“Vậy hành vi lấn chiếm ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch… trong sản xuất, sinh hoạt, xây dựng làm ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy bị xử lý ra sao?” - ông Cao Văn Thiên (ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) thắc mắc.

“Mặc dù Luật Tài nguyên nước năm 2023 không yêu cầu việc khai nước ngầm sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình phải xin phép, cấp phép nhưng tại khoản 4, Điều 52 Luật Tài nguyên nước năm 2023 lại quy định, hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý” - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU lưu ý.

Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) giải đáp, mức xử phạt hành chính hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy được quy định cụ thể tại Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24-3-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 6-1-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ (gọi tắt là Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP).

Theo đó, hành vi đặt vật cản, chướng ngại vật, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ
100-500 ngàn đồng. Phạt tiền từ 40-250 triệu đồng đối với hành vi gây thu hẹp dưới 5% đến từ 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch trở lên… đối với hành vi san lấp sông, suối, kênh, rạch gây thu hẹp dòng chảy không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Đồng thời, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP) còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu; phá dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy đối với các hành vi vi phạm.

Bảo vệ nguồn nước ngầm

Trong sản xuất, sinh hoạt, nông dân ở Đồng Nai ngoài sử dụng nguồn nước ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, nước máy thì ở một số vùng của các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ…, nông dân còn tận dụng nguồn nước ngầm qua các giếng khoan, giếng đào.

Để hướng dẫn người dân, nông dân khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định pháp luật, khoản 2 và 4 Điều 8 Luật Tài nguyên nước năm 2023 nghiêm cấm hành vi xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển; thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

Bên cạnh đó, tại Điều 31 Luật Tài nguyên nước năm 2023 còn có quy định tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc trám lấp giếng bị hỏng, không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng. Tổ chức, cá nhân phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện…

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, tại khoản 3, Điều 52 Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định, tổ chức, cá nhân không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp như: khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng. Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật…

“Theo đó, việc khai thác nước ngầm sử dụng cho sinh hoạt của hộ gia đình; khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm thì không phải xin phép” - luật gia Phan Văn Châu hướng dẫn.       

Đoàn Phú

Tin xem nhiều