Báo Đồng Nai điện tử
En

Cách đòi lại tiền khi bị quỵt tiền công

Đoàn Phú
08:39, 24/08/2024

Pháp luật về dân sự, xây dựng không bắt buộc các bên giao dịch với nhau về dịch vụ làm công, xây và sửa nhà đều phải xác lập hợp đồng bằng văn bản, mà có thể lựa chọn hình thức khác như: bằng lời nói, hành vi cụ thể.

Tiền công của người thợ xây mà chủ nhà thuê làm được thanh toán theo hợp đồng dịch vụ do đôi bên thỏa thuận. Trong ảnh: Một nhóm thợ xây dựng ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Đây chính là điều kiện thuận lợi để các bên thể hiện “chữ tín” với nhau trong giao dịch nhằm lược bỏ những ràng buộc không cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng phát sinh một số bất lợi về việc thể hiện chứng cứ khi phát sinh tranh chấp.

Khi chữ tín không còn

Ông V.N.M., nhà thầu xây dựng ở xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), cho biết nhờ có kinh nghiệm trong quá trình làm thợ xây tự do, từ năm 2010 đến nay, ngoài đi làm công, ông còn nhận thầu các công trình nhỏ, lẻ về xây dựng, sửa chữa nhà ở trong và ngoài xã để đảm bảo nguồn thu nhập, có công việc ổn định để lo cho gia đình.

Do đặc điểm công việc và không nắm chắc các quy định pháp luật về xây dựng, hợp đồng nên khi người dân có nhu cầu thuê xây dựng, sửa chữa công trình sinh hoạt gia đình thì ông M. chỉ gặp chủ nhà thỏa thuận miệng, thống nhất về giá cả, cách thức làm, ngày bàn giao…, chứ không lập hợp đồng bằng văn bản. Đa phần các công trình hoàn thành và bàn giao, ông M. đều được chủ nhà trả tiền công sòng phẳng mà không đòi hỏi một thủ tục, giấy tờ gì. Tuy vậy, thời gian qua, ông gặp một trường hợp chủ nhà kỳ kèo không thanh toán tiền công cho ông.

Cụ thể, vào tháng 4-2023, ông N.T.H. (ngụ xã Cẩm Đường) đến gặp ông M. đề nghị sửa chữa 6 phòng trọ với tổng chi phí 262 triệu đồng. Do một mình làm không xuể, ông M. phải thuê thêm những người khác cùng làm nhằm bàn giao công trình theo đúng thời gian đôi bên đã giao kết miệng. Sau khi công trình hoàn thành, bàn giao, ông H. chỉ thanh toán cho ông M. 210 triệu đồng, còn nợ lại 32 triệu đồng.

Sau đó, ông M. đã nhiều lần gặp ông H. yêu cầu thanh toán số tiền còn nợ nhưng không thành, lại còn bị ông H. thách thức rằng kiện thì ông H. sẽ hầu, vì công trình đã bàn giao từ lâu, đôi bên chỉ giao kết bằng miệng, chẳng có giấy tờ chứng minh ông đã thuê ông M. sửa nhà và còn nợ tiền công.

Hay như trường hợp ông V.V.U. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) phản ánh, ông làm nghề lao động tự do, ai thuê gì thì ông làm đó, tiền công chủ yếu là thỏa thuận miệng. Thỉnh thoảng ông cũng bị người thuê “quỵt” tiền công vì các lý do: làm không vừa ý, tay nghề không cao, chưa có tiền để trả…

“Số tiền họ quỵt tôi không nhiều nhưng đó là công sức làm việc cực khổ của tôi. Nhưng để đòi được số tiền này cũng nhiêu khê, tốn nhiều thời gian nên tôi đành cam chịu” - ông U. cho hay.

Điều 519 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận. Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Cách để bảo vệ quyền lợi

Với các trường hợp trên, luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho biết pháp luật về dân sự, xây dựng không bắt buộc các bên giao dịch trong nhận thầu, làm công phải giao kết hợp đồng bằng văn bản. Với loại giao dịch dịch vụ giản đơn đó, các bên có thể giao dịch bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể như: tin nhắn, điện thoại, mẫu giấy viết tay, việc đã làm…

“Dù các bên giao dịch bằng lời nói hay hành vi cụ thể nhưng đáp ứng đầy đủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo khoản 1, Điều 117 và hợp đồng dịch vụ (Điều 513), đối tượng của hợp đồng dịch vụ (Điều 514) của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực và được pháp luật bảo vệ” - luật gia Vòng Khiềng cho hay.

Luật gia Vòng Khiềng giải thích, quyền tự do giao kết, xác lập giao dịch dân sự được Nhà nước và pháp luật thừa nhận cũng như bảo hộ cho các chủ thể trong xã hội. Muốn vậy, chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Mục đích, nội dung, đối tượng của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trên cơ sở đó, luật gia Vòng Khiềng hướng dẫn các ông V.N.M., V.V.U. giải pháp bảo vệ quyền lợi của mình theo cách thức phù hợp sau: gặp gỡ người nợ tiền công của mình thương lượng cách thức, thời gian trả. Hoặc có đơn gửi tổ hòa giải ở ấp, khu phố hay UBND xã, phường nơi người nợ tiền cư trú hòa giải, giải quyết hoặc khởi kiện vụ việc ra tòa án.

“Mặc dù các bên giao dịch bằng lời nói, hành vi cụ thể, không phải là hợp đồng bằng văn bản, nhưng chứng cứ thể hiện việc giao dịch giữa các bên vẫn có. Chẳng hạn như: thể hiện qua vấn đề đôi bên thừa nhận, người làm chứng, những việc đã làm, phiếu thanh toán vật liệu khi mua hàng, hiện trạng công trình trước và sau thi công…” - luật gia Vòng Khiềng chỉ rõ.

Đồng thời, luật gia Vòng Khiềng lưu ý, tiền công các chủ nhà còn nợ của ông V.N.M., V.V.U. được xem là nghĩa vụ họ phải thực hiện. Bởi căn cứ theo Điều 513 và khoản 2, Điều 515 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên sử dụng dịch vụ phải có nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận. Tức là pháp luật dân sự bắt buộc các chủ nhà phải có nghĩa vụ trả đúng, đủ tiền đã thuê cho các ông theo đúng những gì các bên đã thỏa thuận trong giao dịch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều