Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời điểm áp dụng lương cơ bản tối thiểu vùng mới

Đoàn Phú
09:00, 24/07/2024

Theo quy định mới, từ ngày 1-7-2024, người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) được áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới. Tuy nhiên, nhiều NLĐ thắc mắc về thời điểm nhận lương mới; trong trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) chậm chi trả theo mức lương mới có bị xử lý không?

Luật gia Hội Luật gia tỉnh tư vấn cho người lao động tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) về việc áp dụng mức lương cơ bản tối thiểu vùng mới. Ảnh: Đ.Phú

Khi nào được nhận mức lương mới?

Việc tăng lương cơ bản tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ (viết tắt Nghị định 74) được áp dụng bắt đầu từ 1-7.

Cụ thể, tại Điều 5 Nghị định 74 quy định thời gian áp dụng mức lương cơ bản tối thiểu theo 4 vùng đối với NLĐ hưởng lương theo HĐLĐ kể từ ngày 1-7-2024 như sau: Vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng (23,8 ngàn đồng/giờ). Vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng (21,2 ngàn đồng/giờ). Vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng (18,6 ngàn đồng/giờ). Vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng (16,6 ngàn đồng/giờ).

Đồng thời, tại khoản 3, Điều 5 Nghị định 74 còn quy định,  khi thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 74, NSDLĐ có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong HĐLĐ đã thỏa thuận với NLĐ, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của NSDLĐ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Đến thời điểm hiện tại, Nghị định 74 đã có hiệu lực hơn 20 ngày, nhưng không ít NLĐ vẫn chưa được hưởng lương mới.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh), để biết được lý do vì sao NLĐ chưa nhận được lương mới theo Nghị định 74, cần dựa vào hình thức trả lương theo thỏa thuận giữa đôi bên được ghi trong HĐLĐ. Chẳng hạn, NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Từ đó căn cứ theo Điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2019 để xem xét.

Luật sư Nguyễn Văn Hòa phân tích, nếu NLĐ hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần (nghĩa là kể từ ngày 1-7-2024, NLĐ được nhận lương mới ngay sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần). Còn NLĐ hưởng lương theo tháng được trả một tháng/lần hoặc nửa tháng/lần; thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ (nghĩa là từ ngày 16-7 hoặc đầu tháng 8-2024, NLĐ được nhận lương mới). Riêng NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.

Như vậy, nếu không thuộc trường hợp bất khả kháng dẫn tới chậm trả lương thì trong vòng 15 ngày, NLĐ làm việc theo giờ, ngày, tuần phải nhận được lương tính theo Nghị định 74. Còn với trường hợp hưởng lương theo tháng, sản phẩm, khoán thì dù hiện tại NSDLĐ đã áp dụng Nghị định 74, nhưng vì chưa tới thời điểm trả lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng nên NLĐ chưa được nhận lương mới theo Nghị định 74.

“Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn buộc NSDLĐ trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 17” - luật sư NGUYỄN VĂN HÒA (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý.

Nếu không áp dụng lương mới hoặc chậm chi trả, NLĐ cần phải làm gì?

Việc Chính phủ điều chỉnh mức tăng lương cơ bản tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ là tin vui đối  với phần lớn NLĐ. Mục tiêu của việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ cho phù hợp với tình hình thực tế như: giá trị sức lao động, vật giá, thu nhập tối thiểu vùng, điều kiện sống của NLĐ...

Luật gia Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh) hướng dẫn, việc áp dụng mức lương cơ bản tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 74 kể từ ngày 1-7-2024 là bắt buộc thực hiện đối với NSDLĐ. Nếu NSDLĐ không thực thi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị chế tài theo quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, tại Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt Nghị định 12) có quy định, phạt tiền từ 5-50 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi: trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho NLĐ theo thỏa thuận trong HĐLĐ từ 1-301 NLĐ trở lên (khoản 2). Hoặc phạt tiền từ 20-75 triệu đồng đối với NSDLĐ khi có hành vi trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định từ 1-51 NLĐ trở lên (khoản 3).

“Khi bị NSDLĐ chậm trả, áp dụng mức lương cơ bản tối thiểu vùng thì NLĐ có quyền kiến nghị NSDLĐ, khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động, thương binh và xã hội, hòa giải thông qua hòa giải viên lao động, giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động hoặc khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi” - luật gia Chu Văn Hiển cho biết.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều