Báo Đồng Nai điện tử
En

Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi tối đa

Đoàn Phú
09:00, 03/07/2024

Người tiêu dùng (NTD) là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều quy định mới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua thực phẩm ở Siêu thị Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: A.nhiên

Việc mua hàng hóa, dịch vụ của NTD được Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, bảo đảm quyền lợi đối đa.

Quy định mới trong bảo vệ quyền lợi NTD

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 có 7 chương, 80 điều, so với Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010, có nhiều quy định mới được dư luận và NTD quan tâm.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 bổ sung thêm một số quyền mới của NTD như: được quyền tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh; được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 có quy định rất mới về bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân.

Luật gia Phan Văn Châu chia sẻ thêm, tại Điều 8 Luật Bảo vệ NTD năm 2023 đã xác định rõ 7 nhóm NTD dễ bị tổn thương, bao gồm: người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

“Để tăng cường bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng NTD dễ bị tổn thương” - luật gia Phan Văn Châu cho biết thêm.

Điều 24 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 quy định, trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì việc giải thích được thực hiện theo hướng có lợi cho NTD.

Những vấn đề luật cấm

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 quy định rất nhiều hành vi nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, hàng hóa… Đây là vấn đề mà NTD cần biết để có biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, so với Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010, tại Điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 quy định rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi NTD.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 quy định 12 nhóm hành vi nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thực hiện như: lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp. Hoặc quấy rối NTD thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của NTD để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của NTD. Hay ép buộc NTD mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD thông qua việc thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác có tính chất tương tự; ép buộc NTD thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với NTD; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho NTD do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh; đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho NTD…

Một vấn đề rất mới khác của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 là quy định khá chi tiết, cụ thể trong việc nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp thực hiện hành vi như: yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp. Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho NTD, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp. Phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên giao dịch mua bán hàng hóa….

Cũng theo luật sư Vũ Duy Nam, ngoài các nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 còn quy định rất nhiều hành vi không được làm hoặc phải thực hiện đúng, nghiêm túc vấn đề đã được quy định cụ thể trong từng điều luật. Chẳng hạn như: bảo vệ thông tin của NTD (Điều 15); bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của NTD (Điều 19); điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (Điều 25)…

Đoàn Phú

Từ khóa:

tiêu dùng

hàng hóa

Tin xem nhiều