Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt: An toàn, bảo mật phải đặt lên hàng đầu

An Nhiên - Kim Liễu
09:00, 05/07/2024

Thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) mang lại nhiều tiện ích cho cả đơn vị giao dịch lẫn người dùng. Đây là một trong những hình thức thanh toán đang được khuyến khích và lựa chọn, đặc biệt là giới trẻ và ở các thành phố lớn.

Khi mua hàng, người dân chỉ cần quét mã vạch để thanh toán mà không cần phải mang theo tiền mặt.
Khi mua hàng, người dân chỉ cần quét mã vạch để thanh toán mà không cần phải mang theo tiền mặt. Ảnh: P.Liễu

Hướng tới việc giảm giao dịch tiền mặt và thực hiện chuyển đổi số hệ thống các ngân hàng, Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định đối với những công ty xây dựng các sản phẩm phần mềm, ứng dụng trong dịch vụ chuyển, thanh toán KDTM nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng.

Nhiều quy định mới về dịch vụ thanh toán KDTM

Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15-5-2024 của Chính phủ quy định về thanh toán KDTM có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 (gọi tắt là Nghị định 52). Đây là văn bản quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động thanh toán KDTM với việc quy định cụ thể, chi tiết và tính bảo mật đối với các công ty xây dựng, phát triển cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới tiện ích cho người dùng.

Trong Nghị định 52, Chính phủ đã quy định về tiền điện tử và những hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán KDTM bao gồm: ví điện tử, thẻ trả trước; trách nhiệm của những công ty cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các hình thức thanh toán quốc tế; hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định 52 còn bổ sung các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; những quy định liên quan đến ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán; phong tỏa tài khoản thanh toán; trường hợp đóng tài khoản thanh toán; xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán... Đồng thời, nêu rõ điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục để được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản khách hàng đối với những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; những quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thực tế cho thấy, sự phát triển công nghệ số trong lĩnh vực giao dịch, thanh toán qua các ứng dụng đã tạo nhiều tiện ích cho người dùng. Giờ đây, ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là chủ tài khoản có thể giao dịch, thanh toán từ mua bán hàng hóa đến nộp các loại phí như: điện, nước, học phí cho con và nhiều dịch vụ khác.

Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết quý I-2024, hoạt động thanh toán KDTM đã tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các giao dịch thanh toán KDTM qua điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.

Khuyến khích chuyển đổi phải đi kèm với bảo mật

Nói về những tiện ích thanh toán KDTM, bà Nguyễn Trần Lan Hoa (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết, bây giờ đi chợ hay đi chơi, bà không cần phải mang theo nhiều tiền mặt nên hạn chế được tình trạng đánh rơi hoặc bị mất cắp tiền…; chỉ cần mang thẻ ATM hoặc điện thoại có cài đặt app chuyển tiền online là được.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, khuyến khích chuyển đổi hình thức thanh toán KDTM cần đi kèm với việc trang bị kỹ năng sử dụng dịch vụ cho người dùng, đặc biệt là các dịch vụ, ứng dụng phải có tính bảo mật cao.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, thời gian qua, hoạt động thanh toán KDTM trong cả nước đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Đặc biệt, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR code tăng trưởng nhanh chóng.

Về vấn đề bảo mật, từ ngày 1-7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chíp của thẻ căn cước công dân. Đồng thời, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng mobile banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Tuy nhiên, đi cùng những tiện ích và sự phát triển này là những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân đang rất phổ biến, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...

Do đó, theo ông Phạm Quốc Bảo, một mặt các ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ phải cung cấp cho thị trường những sản phẩm ứng dụng có tính bảo mật, an toàn rất cao; mặt khác, người dùng phải tự nâng cao kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, tài khoản của mình để không “sập bẫy” lừa đảo công nghệ cao.

An Nhiên - Kim Liễu

Tin xem nhiều