Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý sự cố cháy liên quan đến xe điện

Đăng Tùng
09:02, 11/06/2024

Xe ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện (gọi chung là xe điện) là phương tiện ngày càng thông dụng khi nhiều gia đình, hãng vận tải mua loại xe này để dùng trong sinh hoạt, kinh doanh.

Xe điện là phương tiện được nhiều gia đình ưa chuộng, nhất là với học sinh. Ảnh: Đ.Tùng
Xe điện là phương tiện được nhiều gia đình ưa chuộng, nhất là với học sinh. Ảnh: Đ.Tùng

Tuy nhiên, loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ cháy rất khó dập tắt do tính chất của pin lithium-ion trong xe điện. Do đó, người sử dụng cần nắm chắc kỹ năng chữa cháy đối với loại pin này.

Khó cháy, nhưng khi cháy sẽ khó dập tắt

Khoảng 2 năm nay, anh N.K.L. (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) mua 1 xe máy điện và 1 xe đạp điện để mọi người trong gia đình tiện đi lại trong nội thành. Các xe điện được anh đưa vào nhà, đặt ngay lối ra vào và cắm sạc mỗi đêm. Tuy nhiên, sau khi được nhiều người cảnh báo nguy cơ cháy liên quan đến pin lithium-ion trong xe điện, anh đã bỏ thói quen cắm sạc đêm và tìm mua ngay loại bình chữa cháy phù hợp để xử lý chữa cháy khi có sự cố chập cháy xảy ra.

Anh N.K.L. cho hay: “Những lần công ty tổ chức tập huấn về phòng cháy, tôi mới biết pin lithium-ion trong xe điện dù khó cháy, nhưng khi cháy lại rất khó dập, tỏa ra nhiệt lượng cao. Do đó, tôi phải dời ngay vị trí thường đậu xe trong nhà để không che lối thoát hiểm, đề phòng cháy lan sang vật dụng khác”.

Đây là tình trạng chung với những hộ dân đô thị có xe điện trong nhà. Thậm chí, ngay cả các căn phòng trọ, việc đưa xe điện (xe máy, xe đạp) vào phòng rồi cắm sạc ngay trước cửa cũng không phải là điều hiếm gặp. Vì vậy, khi xảy ra cháy liên quan đến xe điện, lối thoát hiểm duy nhất sẽ bị chặn lại.

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, qua công tác điều tra các vụ cháy liên quan đến xe điện, cơ quan chức năng nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu do sạc điện ắc quy, pin của xe dẫn đến cháy. Cụ thể là sạc điện thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, bên trên các vật dụng dễ cháy, nổ… Đáng nói, khi đã cháy thì xe điện sẽ rất nguy hiểm vì kèm hiệu ứng phát nổ, đặc biệt là rất khó dập tắt bằng nước hay những bình chữa cháy thông thường.

Gần đây nhất, rạng sáng 24-5, một căn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và có cho thuê trọ tại hẻm 31, ngách 98, ngõ 43, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bốc cháy. Giữa ngôi nhà là cửa hàng buôn bán, sửa chữa xe điện nên ngọn lửa được “tiếp sức”, tỏa nhiệt lớn và bốc cháy nhanh chóng. Hậu quả làm 14 người tử vong, 3 người bị thương.

Theo UBND tỉnh, qua thống kê trong quý I-2024, Đồng Nai đã xảy ra 29 vụ cháy (giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 7 vụ cháy tại nhà dân trong khu dân cư, chiếm tỷ lệ 24%. Các lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã huy động 90 lượt phương tiện, 506 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời đối với 29 vụ cháy, 13 vụ cứu nạn, cứu hộ.

Khuyến cáo an toàn khi sử dụng

Vào cuối năm 2023, Hiệp hội PCCC và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đã phối với các cơ quan liên quan, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thử nghiệm phương án chữa cháy pin xe điện. Tại buổi thử nghiệm, sau vài phút, nhiệt độ đám cháy đo được hơn 500OC. Các bình chữa cháy xách tay loại bình bột và bình khí CO2 không thể dập tắt được đám cháy mà phải dùng cát ẩm (đòi hỏi kỹ năng đã tập huấn) hoặc bình chữa cháy gốc nước (bên trong là dung dịch chữa cháy có nguồn gốc sinh học với dạng bọt nhỏ).

Người dân tìm mua bình chữa cháy gốc nước chuyên dùng cho các đám cháy liên quan đến pin xe điện tại Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ về phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh.

Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ về PCCC Công an tỉnh khuyến cáo, các loại bình chữa cháy truyền thống chỉ có hiệu quả với từng loại đám cháy. Như bình khí CO2 chữa được các đám cháy chất lỏng hoặc rắn hóa lỏng; từ chất khí; từ dầu mỡ nhưng phải trong không gian kín. Còn bình bột chủ yếu dùng cho đám cháy chất rắn, chất lỏng hoặc rắn hóa lỏng; từ chất khí. Riêng với pin lithium-ion phải dùng các bình chữa cháy gốc nước mới đạt hiệu quả cao nhất.

Thực tế, thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh xe điện đang tìm mua các loại bình chữa cháy gốc nước. Giá thành trên thị trường của bình gốc nước dung tích 3 lít tương đương với bình bột 4kg (loại bình thông dụng tại các hộ dân, cơ quan, công sở).

Ngoài ra, để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an khuyến cáo người dân cần lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; chú ý tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Trong quá trình sử dụng, người dân phải thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng. Nhất là không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới; thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều