Với những công việc đơn giản, pháp luật không bắt buộc bên thuê và người được thuê phải giao kết hợp đồng bằng văn bản. Các bên hoàn toàn có quyền giao dịch với nhau bằng lời nói (miệng) hay hành vi cụ thể (tin nhắn, viết giấy tay).
Công việc thu hái sầu riêng thuê giữa nhóm thợ với chủ vườn thường được xác lập bằng giao dịch miệng. Trong ảnh: Nhóm thợ hái sầu riêng thuê tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: Đ.Phú |
Khi các bên phát sinh tranh chấp như: không trả tiền công, bàn giao công việc không đúng thỏa thuận, chây ì trong thanh toán…, dẫn đến lúng túng trong giải quyết.
Không giữ chữ tín trong giao dịch
Đây là vấn đề rất nhiều người làm công, chủ thầu các công trình xây dựng dân sinh gặp phải và lúng túng trong cách giải quyết.
Ông Trần Văn Nhất (54 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) chuyên đi thu hoạch trái cây thuê cho các nhóm thợ, chủ vườn trong và ngoài địa phương. Ông Nhất trình bày, giữa ông và người thuê thường thỏa thuận với nhau bằng lời nói về thời gian lao động, tiền công và hình thức thanh toán (ngày hoặc kết thúc công việc). Điều này khiến ông không ít lần bị người thuê, chủ vườn trả tiền công không đúng như thỏa thuận hoặc nợ tiền công kéo dài, dẫn tới việc ông nhiều lần đi tới, đi lui đòi tiền rất phiền phức.
“Họ có nhiều lý do đưa ra như: giao khoán việc nhưng làm xong trong một buổi thì trả tiền một buổi, không phải trả cho cả ngày làm; đưa ra giá tiền công 400 ngàn đồng/ngày làm việc, nhưng sau đó chỉ trả 300 ngàn đồng/ngày làm việc; làm liên tục 6 ngày/tuần nhưng chỉ được chủ trả 5 ngày/tuần, bị chủ trừ thời gian mưa gió buộc phải nghỉ ngơi hết một ngày” - ông Nhất cho biết.
Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Công (ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) chia sẻ, trong nhiều năm nhận thầu xây dựng và sửa chữa nhà, ông bị nhiều chủ nhà chây ì, quỵt tiền công của ông với số tiền vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng. Do đôi bên giao và nhận thầu bằng miệng, khi công trình được bàn giao xong, chủ nhà vẫn không chịu thanh toán cho ông số tiền còn lại.
Cũng theo ông Công, khi ông gặp chủ nhà đòi số tiền còn nợ thì họ đưa ra nhiều lý do khác nhau để né tránh như: kẹt tiền, công trình thi công không tốt, số ngày công phát sinh không phải do phát sinh thêm công việc nên chủ nhà không chịu trách nhiệm. Cũng có người thách thức ông đi kiện, bởi trong quá trình giao kết giữa đôi bên chẳng có giấy tờ làm bằng chứng nên sao nói là họ còn nợ tiền.
Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Đồng thời, khoản 1, Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cho phép hình thức của giao dịch dân sự thể hiện bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể.
Nợ phải trả, nhưng khó đòi
Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, giao kết việc làm theo thời vụ giữa người quản lý lao động, chủ vườn và thầu xây sửa nhà (công trình cấp 4 và đơn giản) không bị pháp luật về lao động, xây dựng, dân sự buộc phải tuân thủ điều kiện về hình thức như: phải giao kết hợp đồng bằng văn bản, công chứng hoặc chứng thực nên khi các bên có đủ năng lực về hành vi dân sự, mục đích, nội dung của giao dịch không trái với pháp luật, đạo đức xã hội, bị cưỡng ép, lừa dối… thì có thể lựa chọn hình thức giao dịch bằng lời nói hay hành vi cụ thể. Do số tiền mà chủ thầu, người làm công bị chủ nhà, chủ vườn, người quản lý nợ và tính không đúng với thời gian và công việc thực làm thì đôi bên có thể ngồi lại thỏa thuận. Một khi không thỏa thuận được thì nhờ tổ hòa giải của ấp (khu phố) hòa giải hoặc chính quyền xã (phường) can thiệp.
“Một khi nhờ cán bộ cơ sở giải quyết thì người yêu cầu giải quyết phải có những bằng chứng như: người làm chứng, tin nhắn, giấy hay phiếu viết tay ghi nhận đôi bên có giao dịch… thì tổ hòa giải, chính quyền mới có cơ sở giải quyết” - luật sư Cao Sơn Hà lưu ý.
Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, số tiền tranh chấp không lớn nhưng để đòi được cũng không dễ, vì thiếu chứng cứ và bên thiếu nợ tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm, không tôn trọng chữ tín. Tuy vậy, các bên cũng nên dừng lại ở công tác hòa giải, giải quyết tại cơ sở, không nên đi đến tòa án. Vì thủ tục tố tụng tại tòa án sẽ tốn kém thời gian, công sức, thiếu chứng cứ thuyết phục tòa án.
Về các tình huống nêu trên, luật gia Lương Văn Hùng (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và tập quán, truyền thống của từng vùng miền thì dù giao dịch bằng lời nói, mẫu giấy, người dân vẫn luôn tôn trọng và thực hiện đúng những gì đã nói, cam kết. Tuy vậy, việc xác tín với nhau một vấn đề bằng lời nói, mẫu giấy cũng dễ dẫn tới những bất đồng, tranh chấp khi một bên không trung thực, không giữ chữ tín hoặc lợi dụng điều đó để trốn tránh trách nhiệm.
“Ngay cả giao dịch bằng hợp đồng và hợp đồng có công chứng, chứng thực cũng phát sinh tranh chấp, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với 1001 lý do, chứ nói gì giao dịch dân sự với nhau bằng lời nói, mẫu giấy, tin nhắn. Do đó, khó nói hình thức giao dịch nào là tối ưu nếu các bên không tôn trọng pháp luật, đề cao uy tín, trách nhiệm với nhau” - luật gia Lương Văn Hùng bày tỏ.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin