Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái diễn nạn mạo danh công an hướng dẫn cài đặt VNeID giả mạo

Kim Liễu
09:00, 18/06/2024

Thủ đoạn mạo danh cơ quan công an gọi điện hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử gần đây lại tái diễn. Tin vào lời hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, nhiều người bị lừa sạch tiền trong tài khoản ngân hàng.

Công an xã An Phước (huyện Long Thành) hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: K.Liễu
Công an xã An Phước (huyện Long Thành) hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: K.Liễu

Công an tỉnh khẳng định, công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại.

Chiêu trò hướng dẫn kích hoạt VNeID

Thời gian gần đây, lợi dụng thông tin bắt đầu từ ngày 1-7 chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhiều đối tượng đã mạo danh cơ quan công an gọi điện yêu cầu người dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin căn cước công dân (CCCD), hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, kích hoạt định danh điện tử. Dù cơ quan chức năng, các phương tiện truyền thông đã liên tục thông tin về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này, song nhiều người dân vẫn “sập bẫy”.

Mới đây, chị L. (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) nhận được cuộc gọi từ số 0916.268.120 tự xưng ở Công an phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa), thông báo thông tin CCCD của chị bị lỗi trên hệ thống, rồi yêu cầu chị đến cơ quan công an để khắc phục ngay trong ngày; đồng thời, cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Biết ngay là đối tượng lừa đảo muốn giở trò, chị L. tỏ ý thắc mắc sao chị ở phường Thống Nhất mà Công an phường Quyết Thắng lại mời đến làm việc. Lúc này, người gọi điện liền bảo hệ thống bị lỗi nên sai sót, bên Công an phường Thống Nhất sẽ gọi lại hướng dẫn chị sau.

5 phút sau, chị L. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số 0912.662.482 tự xưng là Công an phường Thống Nhất.

“Người gọi đọc vanh vách các thông tin cá nhân của tôi như tên họ, số CCCD, địa chỉ thường trú và gợi ý hướng dẫn tôi đăng ký định danh điện tử VNeID qua điện thoại. Khi tôi nói đã cài đặt định danh điện tử mức 2 và sử dụng lâu nay, đối tượng liền quát tháo, chửi bới rồi cúp máy” - chị L. kể.

Đã có rất nhiều trường hợp người dân thiếu cảnh giác, cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử giả theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo và bị lừa tiền tỷ.

Đơn cử như trường hợp chị L.K.Q. (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 7-3 đã làm theo hướng dẫn từ cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là công an. Chị Q. vào mục tìm kiếm trên Google tìm link dichvucong.bvgov.com và tải ứng dụng “Cổng dịch vụ công Bộ Công an” về điện thoại. Người gọi hướng dẫn chị Q. thực hiện các bước để định danh như: đăng nhập, lấy dấu vân tay… và thông báo dịch vụ này phải đóng phí 12 ngàn đồng. Chị Q. đã đăng nhập app ngân hàng để trả phí. Ngay sau đó, chị Q. nhận tin nhắn từ ngân hàng báo tài khoản của chị bị trừ tiền 3 lần, mỗi lần hơn 499 triệu đồng với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Cùng thủ đoạn trên, ngày 10-6, ông L.Q.T. (ngụ xã Kon Đào,  huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cũng bị lừa mất 330 triệu đồng sau khi nhận được cuộc gọi từ công an “dỏm”. Người gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để kích hoạt định danh điện tử mức 2. Ông T. làm theo hướng dẫn đăng nhập vào đường link được cung cấp và cài đặt ứng dụng VNeID giả về điện thoại. Sau một hồi thực hiện các thao tác (chụp ảnh CCCD, khuôn mặt), ông T. được thông báo cài đặt thành công ứng dụng trên theo đường link. Sau đó, ngân hàng cũng báo tin tài khoản của ông đã chuyển tiền đến số tài khoản lạ. Biết mình bị lừa, ông T. đã đến công an địa phương trình báo.

Cách xử trí khi lỡ cài đặt ứng dụng giả mạo

Trường hợp người dân phát hiện đã lỡ cài đặt ứng dụng giả mạo khi màn hình điện thoại tối đen, không thao tác được trên điện thoại, không tắt nguồn được... thì nên lập tức liên hệ đường dây nóng ngân hàng để khóa tài khoản. Đồng thời, thực hiện ngay việc đổi mật khẩu của tài khoản ngân hàng (internet banking). Sau đó format lại điện thoại (về trạng thái ban đầu của nhà sản xuất) để xóa ứng dụng giả mạo chứa mã độc và thông báo ngay với cơ quan công an gần nhất.

Công an không hướng dẫn kích hoạt tài khoản VNeID qua điện thoại

Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết, thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh cơ quan công an gọi điện thoại cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử lại tái diễn. Ngay cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng từng nhận được các cuộc gọi mạo danh để hướng dẫn cài đặt định danh điện tử.

Lợi dụng sự nắm bắt chưa đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt app VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử của một bộ phận người dân, đối tượng lừa đảo đã gọi điện, sau đó gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập và cài đặt phần mềm VNeID giả mạo (có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật). Từ đó, kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại nạn nhân và chiếm đoạt tài sản.

Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại. Công an tỉnh khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt VNeID từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân qua điện thoại.

Theo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an), bên cạnh thủ đoạn giả mạo ứng dụng VNeID, hiện nay còn xuất hiện nhiều thủ đoạn giả mạo ứng dụng, giao diện các website dịch vụ công quốc gia để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia chỉ cung cấp duy nhất thông qua tên miền https://dichvucong.gov.vn/. Các dịch vụ công trực tuyến khác cung cấp thông qua tên miền có đuôi “.gov.vn”. Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay chưa phát triển app riêng cho điện thoại. Do đó, các đối tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng dịch vụ công quốc gia trên điện thoại hoàn toàn là lừa đảo.

Kim Liễu

Tin xem nhiều