Báo Đồng Nai điện tử
En

'Sập bẫy' cò đất

Nhật Minh
09:00, 26/06/2024

Chỉ vì tin vào “cò đất”, nhiều người bị lừa mất một số tiền lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lực lượng Công an tỉnh bắt quả tang các thành viên Công ty Lộc Phúc tổ chức “sàn giao dịch” lừa đảo mua bán đất tại dự án “ma” ở xã An Viễn (huyện Trảng Bom) vào cuối năm 2023. Ảnh: Công an cung cấp

Hành vi lừa đảo liên quan đến đất đai hiện nay diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: một thửa đất bán cho nhiều người; mua bán bằng “sổ đỏ”, giấy tờ giả; mua bán đất qua vi bằng, lợi dụng sự tín nhiệm của người khác để đưa ra thông tin gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền…

Tạo “màn kịch” lừa đảo

Phổ biến nhất trong thời gian qua là tình trạng kẻ gian làm “sổ đỏ” giả rồi rao bán đất. Người mua vì nhẹ dạ cả tin đã “cắn câu” và mất tiền. Đơn cử như mới đây, Nguyễn Thành Tài (49 tuổi, ngụ phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh) đã bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Long Khánh truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, vào ngày 22-10-2019, tại phường Xuân Hòa, bằng thủ đoạn gian dối, Tài đã ký kết hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng 1 ngàn m2 đất nằm trong thửa đất số 106, tờ bản đồ số 12 (xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh, do em gái của Tài đứng tên) cho bà N.T.K.D. (51 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) với giá 920 triệu đồng. Bà Dung đã giao trước cho Tài 120 triệu đồng để đặt cọc. Sau đó, Tài liên hệ với một đối tượng không rõ lai lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh làm giả một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất số 106, tờ bản đồ số 12, diện tích 4 ngàn m2 (địa chỉ ấp 2, xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh) mang tên Nguyễn Thành Tài rồi giao cho bà Dung và bỏ trốn. Đến năm 2023, Tài bị công an bắt giữ.

Cũng có nhiều người dân vì lơ là, thiếu cảnh giác khi đưa tiền cho người khác nên đã “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, Tống Ngọc Thao (40 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ) có quen biết với anh Nguyễn Tiến Dũng (ngụ xã An Phước, huyện Long Thành). Biết anh Dũng kinh doanh bất động sản nên Thao nảy sinh ý định đưa thông tin gian dối và tự làm giả giấy tờ đặt cọc mua bán đất để chiếm đoạt tiền của anh Dũng.

Cụ thể, vào ngày 15-5-2021, Thao nói với anh Dũng rằng anh T.T.H. (38 tuổi, ngụ xã An Viễn, huyện Trảng Bom) rao bán thửa đất tại xã An Viễn với giá gần 2,8 tỷ đồng. Khi anh Dũng yêu cầu Thao dẫn đi xem đất và gặp ông H. thương lượng mua đất thì Thao nói để Thao đi thương lượng giúp, vì sợ ông H. tăng giá.

Tin tưởng Thao, anh Dũng đưa Thao 900 triệu đồng nhờ đặt cọc giúp. Sau đó, Thao đưa cho anh Dũng một hợp đồng đặt cọc do Thao giả chữ ký và điểm dấu vân tay tên Thao và ông H. với nội dung thỏa thuận việc mua bán 3 lô đất tại xã An Viễn. Sau khi phát hiện Thao đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của mình, anh Dũng làm đơn trình báo công an. Ngày 7-11-2023, Thao đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.

Với hành vi này, ngày 21-6, Tống Ngọc Thao đã phải lãnh mức án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, hầu hết các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất khó lấy lại được phần tài sản bị mất do các bị cáo không có khả năng chi trả. Do đó, người dân cần cẩn trọng trong các hoạt động mua bán nhà đất; thường xuyên cập nhật những kiến thức pháp luật và thủ đoạn của các loại đối tượng. Tránh bị lợi dụng và rơi vào “bẫy” của tội phạm lừa đảo.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, những đối tượng lừa đảo thường đăng thông tin rao bán nhà đất với giá hấp dẫn cùng hình ảnh giấy tờ, nhà đất. Đồng thời, dùng lời nói dễ nghe và đánh vào lòng tham của người muốn “đất đẹp, giá rẻ”. Sau khi lừa được tiền của người mua thì các đối tượng “đánh bài chuồn” và nhiều năm sau bị hại cũng khó có thể lấy lại được tài sản.

Trên thực tế, ngoài sự tinh vi của các đối tượng lừa đảo thì nguyên nhân để xảy ra các vụ lừa đảo liên quan đến đất đai cũng một phần do bị hại chủ quan, dễ tin người, thiếu xác minh thông tin về tài sản và về đối tượng. Trong khi đó, hiện việc xác minh thông tin liên quan đến đất đai là không quá khó. Chỉ vì đặt niềm tin sai chỗ đã khiến nhiều người phải trả giá đắt.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho hay để tránh tình trạng bị lừa đảo liên quan đến đất đai thì khi giao dịch mua bán nhà đất, người mua cần tiến hành xác định rõ ràng những thông tin về tài sản như: chủ sở hữu, vị trí chính xác, đất không trong quy hoạch và nhất là cần xác định tình trạng thực tế nhà đất… Quá trình giao dịch, người mua cần yêu cầu bên bán xuất trình bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cần phải đến văn phòng công chứng để sớm phát hiện các loại giấy tờ giả, cũng như xác định tính xác thực và các thông tin liên quan của thửa đất. Đặc biệt, trong các hợp đồng đặt cọc cần ghi cụ thể, chi tiết từng thông tin để tránh những tranh chấp không đáng có.

Trường hợp khi thực hiện giao dịch mua bán mà xảy ra tình trạng trả lời mập mờ thông tin của đối phương, người dân cần xác minh lại chính xác thông tin về tài sản giao dịch nhằm sớm phát hiện hành vi lừa đảo của đối tượng. Khi phát hiện các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo cơ quan công an để được giải quyết và sớm truy bắt đối tượng, thu hồi tài sản.

Nhật Minh

Tin xem nhiều