Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó xử khi con trưởng thành vẫn 'bám víu' cha mẹ

Đoàn Phú
08:59, 07/06/2024

Với các bậc làm cha mẹ, tình mẫu tử rất thiêng liêng nên khi con đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) gặp khó khăn vẫn được cha mẹ bao bọc.

Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Biên Hòa Dương Văn Tín tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: Đ.Phú
Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Biên Hòa Dương Văn Tín tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: Đ.Phú

Điều này dễ làm cho không ít bạn trẻ nhầm lẫn là cha mẹ phải luôn có trách nhiệm với mình một cách vô điều kiện, mỗi khi gặp khó khăn là tìm cha mẹ để “yêu sách”.

Cầu cứu, bám víu cha mẹ khi gặp khó khăn

Gặp khó khăn trong công việc dẫn tới không có tiền lo cho con ăn học, tiền thuê nhà trọ, chị N.U. (tạm trú tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) nhiều lần về xin mẹ ruột là bà C.T.H. (68 tuổi, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) tá túc. Lấy lý do nhà chật, phải tần tảo nuôi cháu (con riêng của chị N.U. với người chồng trước) đang ăn học nên bà C.T.H. từ chối. Chính vì vậy, chị N.U. lu loa khắp xóm là bà C.T.H. ngược đãi con, có sinh nhưng không có dưỡng. Đồng thời, chị còn có đơn gửi chính quyền phản ánh về việc bà C.T.H. lẩn tránh mỗi khi chị ghé thăm.

Hay như trường hợp anh N.V.T. (tạm trú phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) làm ăn kinh doanh bị thua lỗ dẫn tới bán nhà, không có nơi ở ổn định nên liên tục tìm đến cha mẹ ruột ở phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) để đưa “yêu sách” cho anh 400 triệu đồng để trang trải cuộc sống, trả nợ hoặc lo chuyện ăn ở, sinh hoạt cho vợ chồng anh khi ở cùng.

Mới đầu, vợ chồng ông K. (cha của anh N.V.T.) không đáp ứng những đòi hỏi do anh N.V.T. đưa ra. Tuy nhiên, khi thấy anh liên tục tới nhà than thở, khóc lóc, nói rằng không trả được nợ sẽ bị “xã hội đen” xử không nương tay; đồng thời, sợ anh T. đem vợ con lại nhà “ăn dầm, nằm dề” thêm phiền phức nên ông bà chấp nhận cho con 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, anh N.V.T. không đồng ý, tiếp tục đòi hỏi, nếu vợ chồng ông K. không cho anh 400 triệu đồng thì khi vợ chồng anh dọn về ở cùng, ông bà không có cách nào đuổi vợ chồng anh ra khỏi nhà được. Điều này làm vợ chồng ông K. lo lắng nên tìm người hiểu biết pháp luật hỗ trợ.

“Một khi con trưởng thành đã có gia đình riêng, ở riêng, nay gặp khó khăn muốn quay về chung sống cùng cha mẹ, nếu cha mẹ không cưu mang liệu có vi phạm pháp luật không ?” - ông K. thắc mắc.

“Tục ngữ có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Một khi các bậc làm cha mẹ thấu hiểu điều này thì vấn đề tranh chấp, xung đột gia đình rất dễ giải tỏa” - Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Biên Hòa DƯƠNG VĂN TÍN bày tỏ.

Pháp luật không bắt buộc

Câu chuyện của chị N.U. với bà C.T.H., giữa anh N.V.T. với vợ chồng ông K., theo luật gia Nguyễn Thị Hồng (Hội Luật gia tỉnh), là chuyện thường gặp trong cuộc sống hiện tại. Đa phần các bậc cha mẹ thường lấy tình yêu thương để giải quyết bằng cách chiều theo ý con để gia đình yên ấm. Tuy nhiên, cha mẹ có quyền không thực hiện “yêu sách” của con đã thành niên.

Đối chiếu với khoản 2, Điều 69 và khoản 3, Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, pháp luật hiện không bắt buộc bà C.T.H., vợ chồng ông K. đáp ứng yêu cầu của con.

Cụ thể, cha mẹ chỉ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Con chưa thành niên, con đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mới có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Tuy vậy, các con của ông bà vẫn không bị pháp luật hạn chế quyền tới thăm, chăm sóc. Khoản 3, Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Đồng thời, tại các điểm e, g, khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 nghiêm cấm hành vi: ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa anh, chị, em với nhau.

Riêng vấn đề các con gặp khó khăn xin dọn về nhà cha mẹ ở, nếu cha mẹ không đồng ý liệu họ có vi phạm pháp luật? Theo luật gia Nguyễn Thị Hồng, do cha mẹ hết nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng khi con đã thành niên, có khả năng lao động và tự nuôi sống được bản thân nên về mặt pháp lý, cha mẹ không cho con về ở cùng (cư trú) tại nhà mình là không có gì sai trái. Tuy nhiên, về mặt tình cảm, đạo đức xã hội thì đó là việc không nên làm. Bởi vì, trước khó khăn, hoạn nạn của con mà cha mẹ không mở rộng vòng tay cưu mang, ích kỷ từ chối thì khi về già, làm sao cha mẹ nương tựa vào con được. Còn một khi cha mẹ chấp nhận cho con về nhà ở cùng thì không thể nào yêu cầu con rời khỏi chỗ ở đó nếu con không đồng ý. Vì điều này bị điểm q, khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 nghiêm cấm.

“Do đây là vấn đề nhạy cảm, việc ứng xử ra sao là do gia đình họ quyết định. Chúng tôi chỉ đưa ra các tình huống và giải pháp để họ có cách ứng xử phù hợp với pháp luật và hoàn cảnh cụ thể của gia đình” - luật gia Nguyễn Thị Hồng bộc bạch.

Mối quan hệ huyết thống là thiêng liêng đối với các gia đình của người Việt Nam. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xảy ra chuyện con chưa thật sự thấu hiểu sự vất vả của đấng sinh thành trong suốt quá trình nuôi dưỡng mình khôn lớn cho đến khi dựng vợ, gả chồng mà vẫn mong muốn tiếp tục được dựa dẫm.

Vấn đề này, theo Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Biên Hòa Dương Văn Tín, ngoài tuyên truyền trách nhiệm về tính độc lập, tự chủ, yêu lao động và tự chịu trách nhiệm với bản thân cho thế hệ trẻ, nên truyền thông sâu sắc, có định hướng về tình yêu thương, bao dung con cái đối với các bậc làm cha mẹ.

                                  Đoàn Phú

Từ khóa:

cha mẹ

18 tuổi

Tin xem nhiều