Giao dịch điện tử (GDĐT) là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy.
Cán bộ xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, bên trái) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công điện tử qua điện thoại. Ảnh: Đ.Phú |
Vấn đề này được Luật GDĐT năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) quy định rất rõ.
Có giá trị như văn bản giấy
Hình thức của giao dịch luôn là vấn đề các bên xác lập giao dịch dân sự quan tâm, chú trọng nhằm tránh giao dịch bị vô hiệu, hướng tới mục tiêu giao dịch được công nhận, đảm bảo giá trị pháp lý khi giao kết.
Theo Điều 117 và Điều 119 của Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có những quy định ràng buộc đối với việc giao dịch dân sự giữa các bên cần phải được xác lập bằng văn bản như: hợp đồng lao động, hợp đồng xây dựng, hợp đồng giao dịch về bất động sản, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản… Do đó, tại khoản 2, Điều 1 Luật GDĐT năm 2023 khẳng định, không quy định về hình thức của GDĐT.
Để hướng dẫn người dân hiểu chính xác vấn đề hình thức trong giao dịch, luật sư Lê Văn Bá (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, mặc dù Luật GDĐT năm 2023 khẳng định không quy định về hình thức của GDĐT nhưng GDDT đang là xu hướng của thời đại 4.0 nên hình thức giao dịch này ngày càng trở nên phổ biến, tiện lợi. Chính vì vậy, tại khoản 3, Điều 1 Luật GDĐT năm 2023 và khoản 1, Điều 119 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định khá rõ và đồng nhất.
Theo đó, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về GDĐT được coi là giao dịch bằng văn bản. Đồng thời, trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật GDĐT năm 2023. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.
“Đặc biệt, Luật GDĐT năm 2023 khẳng định, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản (Điều 9), thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc (Điều 10) nên người dân, doanh nghiệp không có gì phải lo lắng khi thực hiện các giao dịch trong cuộc sống thông qua phương tiện điện tử” - luật sư Lê Văn Bá bày tỏ.
Khoản 2, Điều 19 Luật GDĐT năm 2023 quy định, chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, Điều 38, Luật GDĐT năm 2023 cũng quy định, trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy.
Những điểm mới đáng chú ý
Luật GDĐT năm 2023 có 13 chương, 53 điều, ít hơn 1 điều và nhiều hơn 5 chương so với Luật GDĐT năm 2005. Theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, Luật GDĐT năm 2023 có 7 nhóm điểm mới nổi bật so với Luật GDĐT năm 2005.
Chẳng hạn, Điều 3 Luật GDĐT năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số khái niệm như: chữ ký điện tử, chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử, dữ liệu số, dữ liệu chủ, môi trường điện tử, chứng thư điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký số, người trung gian… Điều 6, Luật GDĐT năm 2023 sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm trong GDĐT như: lợi dụng GDĐT xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ GDĐT…
Bên cạnh đó, Điều 12 của Luật GDĐT năm 2023 đã bổ sung điều kiện chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu như: văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu về thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu; có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu; có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi…
Cũng theo luật gia Phan Văn Châu, khi mạng internet trở nên phổ biến, công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ thì các GDĐT cũng được thiết lập ngày càng rộng rãi, phổ biến và tiện ích hơn rất nhiều so với giao dịch truyền thống, nhất là một khi Luật GDĐT năm 2023 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý thêm thuận lợi. Chính điều này thúc đẩy xã hội tiếp cận rộng rãi với hình thức, cách thức GDĐT trên tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, xã hội… với ưu điểm nổi bật là tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho các bên tham gia GDĐT; không bị trở ngại bởi không gian địa lý, chênh lệch thời gian; minh bạch trong việc thực hiện giao dịch vì mọi thao tác đều được lưu trữ trên hệ thống thiết lập GDDT…
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin