Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều kiện để cha được quyền trực tiếp nuôi con chưa đủ 3 tuổi

Luật sư Ngô Văn Định
07:11, 05/06/2024

Hỏi: Do mâu thuẫn, vợ tôi có đơn ly hôn và yêu cầu tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con chung (mới 24 tháng tuổi) cho cô ấy. Nhưng tôi cũng muốn nuôi con, xin được luật sư hướng dẫn.

Huỳnh Văn Hùng (huyện Long Thành)

- Trả lời: Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định như sau: con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi (trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con).

Bên cạnh đó, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16-5-2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình, trong đó có hướng dẫn giải quyết việc nuôi con khi ly hôn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định rất cụ thể các trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Cụ thể, người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con: mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, để được nuôi con chưa đủ 36 tháng tuổi, anh phải được sự đồng ý của mẹ cháu hoặc chứng minh người mẹ thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

Luật sư Ngô Văn Định

 

Tin xem nhiều